KTĐT - Sáng 30/3, chị Hằng bán thịt lợn tại chợ Năm Tầng (Cầu Diễn, Hà Nội) báo giá các loại thịt đều tăng ít nhất 5.000 đồng so với ngày hôm trước.
Hai ngày sau khi giá xăng tăng lên 21.300 đồng, thực phẩm, rau xanh tại các chợ bắt đầu đắt lên với cái cớ chi phí vận chuyển tăng, nguồn cung khan hiếm.
Sáng 30/3, chị Hằng bán thịt lợn tại chợ Năm Tầng (Cầu Diễn, Hà Nội) báo giá các loại thịt đều tăng ít nhất 5.000 đồng so với ngày hôm trước. Giá thịt lợn thăn là 100.000 đồng một kg; thịt mông, vai và ba chỉ cũng khoảng 85.000-90.000 đồng một kg. Đến sáng 31/3, mỗi kg thịt lại "nhảy" giá thêm khoảng 5.000 đồng.
Một người bán thịt lợn tại chợ tạm họp tại Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng báo giá nạc thăn là 120.000 đồng một kg, thịt mông, vai là 110.000 đồng. Ngay cả ba chỉ, trước đó chỉ khoảng 87.000 đồng một kg, cũng đã tăng lên 100.000 đồng.
Giá thịt gà tại chợ lớn hay chợ tạm hiện nay đều tăng lên đáng kể, dao động 70.000 đến 75.000 đồng một kg với gà công nghiệp, gà ta 90.000 đến 110.000 đồng, gà ta mổ phổ biến 140.000 đồng một kg. Thịt bò thăn loại ngon, ở các chợ Cầu Giấy, Thái Hà, Thành Công, giá bán cũng phổ biến 190.000-200.000 đồng một kg, tăng khoảng 8.000 đồng một kg.
Ngay cả những hàng bán rau rong, vốn được nhiều bà nội trợ yêu thích vì giá rẻ, cũng bắt đầu nâng giá. Chị Hiền, bán bắp cải và cà chua "sọt thồ" tại chợ tạm trên đường Nguyễn Quý Đức cho hay, từ khoảng hơn một tuần nay, các loại rau đều tăng giá so với trước. Hiện tại, cải bắp từ 4.000 đồng lên 6.000 đồng một kg, cà chua từ 10.000 đồng lên 14.000 đồng. Còn những loại rau cải như cải cúc, cải mơ... giá cũng tăng lên 2.000-3.000 đồng một mớ.
Nguyên nhân giá rau củ, thực phẩm tăng cao, theo đa số tiểu thương, là khó khăn của nguồn cung và tác động của giá xăng khiến chi phí vận chuyển cao hơn trước.
Chị Nguyễn Thị Hiền, bán thịt lợn tại chợ Thái Hà cho hay, sau khi xăng tăng giá, người giao hàng cho chị cũng tăng giá vận chuyển, từ 20.000 đồng lên 25.000 đồng mỗi lượt cho quãng đường khoảng 5 km. Lấy tại lò mổ cũng cao và giá thường xuyên "nhảy nhót" chứ không cố định như trước nên không thể bán rẻ.
Chị Hiền thông tin, thậm chí mấy ngày nay, giá nhập thay đổi liên tục. Sáng lấy hàng chỉ 70.500 đồng một kg, nhưng đến chiều là 71.000 đồng. Thậm chí nếu không lấy hàng quen, có khi còn bị đắt thêm khoảng chục nghìn đồng mỗi kg. Theo chị này, sở dĩ các mặt hàng đều đắt đỏ, từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng, là do khi nhập hàng, các chị nhập kiểu "móc hàm", gồm tất cả các loại thịt và nội tạng nên phải bán cao để món nọ bù món kia.
Chị Hợi, bán rau tại chợ Ngọc Khánh thì bảo, lý do chính đẩy giá rau tăng là khó khăn về nguồn cung. Chị khẳng định, hiện tại, các loại rau vụ đông như cải bắp, cà chua, su hào đã vào cuối vụ, nên giá đắt lên. Su hào trước chỉ 3.000 đồng một củ thì nay cũng tăng lên 4.500-5.000 đồng, cà chua từ 11.000 đồng lên 14.000 đồng mỗi kg.
Giá rau củ cũng tăng trong những ngày gần đây. Ảnh: Tuệ Minh |
Anh Phạm Văn Hùng làm nghề thịt lợn tại một lò mổ ở đường K3 Cầu Diễn cho biết, giá lò mổ bán cho người mua, dù đã tăng khoảng 10.000 đồng so với trước, cũng chỉ 74.000-75.000 đồng một kg. Nếu mua của những đơn vị bán hàng bình ổn, giá chỉ 70.000-71.000 đồng một kg.
Giá xăng tăng có tác động đến vận chuyển lợn từ trang trại về lò mổ, nhưng không làm tăng giá bán ra cao như vừa rồi. Theo tính toán của anh này, mỗi con lợn khoảng 70-80 kg được tiểu thương mua về, "pha" ra các loại thăn, mông, ba chỉ... Giá bán ra thấp nhất đã 90.000 đồng một kg, cao nhất 120.000 đồng trong khi giá lấy vào "đổ xô" chỉ 71.000-75.000 đồng (tùy điểm), thì người bán lãi khá nhiều.
"Ngay cả khi bán 'đổ đống' 90.000 đồng mỗi kg, thì họ vẫn có lãi, vì giá nội tạng và các loại thịt 'xấu' như thủ, chân giò... bán ra cũng cao so với thịt ngon như thăn, mông, vai nên việc bù lỗ gần như không có", anh Hùng bày tỏ. Anh này cho rằng, việc tiểu thương tại nhiều chợ đang "vin" xăng để đẩy giá thịt lên cao, là hành động "té nước" để "chém" khách. Trên thực tế, dịch bệnh kéo dài khiến nguồn hàng khó khăn hơn có thể là nguyên nhân chính.
Trao đổi với PV, bà Đỗ Tuyết Hạnh, Ban quản lý chợ Thái Hà, một trong những chợ tập trung nhiều sạp hàng rau củ, thực phẩm tại Hà Nội cho hay, lượng hàng nhập về những ngày gần đây có giảm so với trước. Theo bà Hạnh, nguyên nhân một phần là hàng bán chậm vì người dân cắt giảm chi tiêu, nhưng cũng một phần là lấy hàng khó hơn trước.
Trong khi đó, tại nhiều siêu thị, giá nhiều mặt hàng vẫn ở mức ổn định. Thịt lợn, thịt gà hay bò bán tại các điểm bán hàng bình ổn còn thậm chí luôn rẻ hơn so với tại chợ từ 3.000-5.000 đồng mỗi kg, mà lại minh bạch về nguồn gốc và xuất xứ. Đây cũng là một trong những lý do khiến không ít bà nội trợ đổi sang mua hàng ở siêu thị thay vì ra chợ như trước kia.