Reuters dẫn trường hợp của Laura Douglas - chủ sở hữu một trang trại nằm giữa các dãy núi phủ tuyết trắng ở miền Nam New Zealand, từng thu hút hàng trăm khách du lịch nước ngoài mỗi tháng trước khi bất ngờ bị "đóng băng" kể từ tháng 3 năm nay do tác động của đại dịch Covid-19.
"Tôi đang phải làm thêm công việc là bác sĩ thú y để giảm gánh nặng chi phí trong thời gian ngưng trệ vì dịch bệnh", Laura chia sẻ, khi mà New Zealand đang dần trở lại bình thường - thuộc hàng sớm nhất nhì thế giới.
Reuters nhận định, phục hồi du lịch hậu Covid-19 của New Zealand dự kiến sẽ chậm, trái ngược với du lịch Việt Nam - cũng là một quốc gia được xem là hình mẫu chống dịch thành công. Cả 2 quốc gia đều đã khống chế tối đa số ca nhiễm mới trong cộng đồng, từ đó dỡ bỏ phần lớn các lệnh hạn chế ngoại trừ đi lại quốc tế.
Tuy nhiên, trong khi du lịch New Zealand chưa giải quyết được bài toán không có khách quốc tế thì theo các dữ liệu thống kê và ý kiến người trong ngành, dường như Việt Nam đã bắt đầu hồi phục.
Công ty phân tích du lịch Cirium cho biết, tháng 7 thường là mùa du lịch cao điểm ở New Zealnd nhưng các chuyến bay theo lịch trình đã giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái và thậm chí nhiều chuyến đã bị hủy. Nhu cầu đặt phòng hàng tuần trên Airbnb hay Vrbo trong tháng 7 đã giảm 55% so với năm ngoái và việc phục hồi là không thể xảy ra cho đến cuối năm nay.
Còn ở Việt Nam, chỉ riêng trong tháng 7, dự kiến có hơn 26.000 chuyến bay hoạt động chuyên chở 5 triệu hành khách, tăng từ 16 tới 25% so với năm ngoái.
Reuters dẫn lời ông chủ một công ty đặt phòng ở Việt Nam cho biết: "Nhiều người trước đây không có đủ khả năng chi trả cho các dịch vụ 5 sao giờ đây đang tận hưởng điều đó nhờ vào các chương trình giảm giá". Theo ông này, điều này tới từ những nỗ lực của T.Ư và địa phương tại Việt Nam nhằm kích cầu du lịch nội địa thời điểm khó khăn hiện tại.
Phân tích của Reuters về dữ liệu chuyến bay từ FlightRadar24 cũng cho thấy, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đảo Phú Quốc và vịnh Cam Ranh là những điểm đến hàng đầu tại Việt Nam tính đến giữa tháng 6, sau khi các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ từ cuối tháng 4.
Thủ tướng New Zealand, Jacinda Ardern cũng đã kêu gọi người dân trải nghiệm chính nơi mình sống. Thậm chí Chính phủ nước này đang xem xét cho người lao động nghỉ nhiều hơn trong năm nay để thúc đẩy du lịch.
Một số người New Zealand dường như đã hưởng ứng, khi các chuyên đi xa đã có xu hướng gia tăng dần vào dịp cuối tuần. Tuy nhiên theo những người hoạt động trong ngành du lịch nước này, khoản ngân sách của Chính phủ Wellington lên tới 237 triệu USD, nhằm hỗ trợ một phần lương và các chi phí khác trong ngành, sẽ không đủ để bù đắp những thiệt hại, một khi khách du lịch nước ngoài vẫn bị cấm nhập cảnh vào quốc gia này.
Để thấy, những chương trình "người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", "người Việt Nam dùng hàng Việt Nam"... đang tiếp sức không nhỏ cho nền kinh tế nước nhà vượt qua cơn khủng hoảng chưa từng có, thể hiện sức mạnh đồng lòng, chung sức cùng sẻ chia của người Việt.