Kinhtedothi - Hôm nay (1/4), các sở GD&ĐT bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2015. Vậy nhưng sát ngày này, thậm chí cho đến hôm qua (31/3), không ít học sinh (HS) lớp 12 vẫn rất lo lắng và bối rối không biết chọn môn thi nào vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển sinh vào các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), cho dù đã nhận được nhiều lời tư vấn.
Chọn cho… đủ
Tại thời điểm này, nhiều HS cho biết, đã quyết định lựa chọn môn thi, nhưng đó không phải là môn học yêu thích và cũng không chắc chắn khi thi sẽ có kết quả tốt nhất. Tình trạng chọn môn thi theo hội chứng “bạn chọn mình cũng chọn” đã diễn ra ở một số nơi. Có những lớp học, đa số HS chọn môn Địa lý, chỉ vì không phải ôn tập quá nhiều và được mang Atlat vào phòng thi. Nguyễn Thu Nguyệt - lớp trưởng lớp 12H, trường THPT Đa Phúc (huyện Sóc Sơn) cho biết: “80% các bạn lớp em chọn môn Địa lý, vì buổi thi môn Vật lý diễn ra vào chiều 2/7, sau môn Ngữ văn, cùng một công đi thi. Em cũng chọn thêm môn Vật lý để xét tuyển khối A1, nhưng chưa biết đăng ký trường ĐH nào, ngành gì”.
Mặc dù đã đọc quy chế thi, được tham gia buổi tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp chọn ngành nghề, được hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm giải thích, hướng dẫn nhưng Hoàng Thị Linh - lớp 12A7, trường THPT Trung Giã (huyện Sóc Sơn) vẫn rối như… tơ vò. Lúc đầu, Linh định thi khối D vào trường sư phạm theo ý muốn của bố mẹ, nhưng sau lại lo tốt nghiệp không xin được việc làm. Vậy là Linh theo bạn chọn ĐH Công nghiệp Hà Nội, vì nghe nói có nhiều cơ hội xin việc. Rồi khi nhận được tờ gấp giới thiệu về ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử của ĐH Phương Đông, Linh và một số bạn trong lớp lại thay đổi ý định... Hiện nay, nhiều bạn vẫn mơ hồ và khó khăn khi chọn môn thi. Môn học được các em lựa chọn nhiều là Địa lý vì dễ làm bài, chỉ một vài bạn chọn môn Vật lý và Hóa học.
Năm nay, việc Bộ GD&ĐT cho phép các trường ĐH, CĐ sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành tạo cơ hội tối đa cho thí sinh. Tuy nhiên, đối với những em chưa xác định khối thi từ lớp 10, 11 thì đang đứng ở ngã ba đường. HS ở một số vùng ngoại thành khó khăn trong lựa chọn bởi không có điều kiện vào website của từng trường để tìm hiểu chi tiết. Thậm chí, có em vào được trang web rồi cũng không biết tìm thông tin mình quan tâm ở mục nào.
Không nên chọn quá nhiều tổ hợp
Tư vấn về việc chọn môn thi gì tại thời điểm này, ông Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) đưa ra 3 yếu tố để HS lựa chọn môn thi. Thứ nhất, dựa trên năng lực sở trường của từng em, môn học nào thấy thích hợp thì lựa chọn. Thứ hai, các em thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ thì phụ thuộc vào khối thi. Thứ ba, các em thấy môn nào dễ học và tin tưởng thầy cô bộ môn ấy thì lựa chọn.
Nhiều chuyên gia giáo dục có thâm niên làm tuyển sinh cũng cho rằng, nhiều tổ hợp môn thi nhưng thực ra là các khối thi truyền thống và cộng thêm một tổ hợp mới. Như thế, HS có thêm sự lựa chọn, không bị bỏ phí môn thi mà mình cảm thấy học được. TS Trần Mạnh Dũng - Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng khuyên HS không nên chọn quá nhiều tổ hợp. Đa số các trường đều có tổ hợp là những môn cơ bản, chỉ cần chọn Toán, Văn, Ngoại ngữ, Lý, Hóa thì có cơ hội xét tuyển vào nhiều ngành của nhiều trường. Thời gian và sức người có hạn, cho nên các em không nên chọn quá dàn trải. Đồng quan điểm này, GS Trịnh Minh Thụ - Phó Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi khuyên, HS nên ưu tiên khối thi thứ nhất, khối thứ hai. Nếu các em không có sự lựa chọn thì sẽ không định hướng rõ ràng việc ôn tập, kết quả thi sẽ không cao.
Dưới góc độ của nhà tư vấn, TS Phạm Mạnh Hà - khoa Thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho rằng, các em nên lựa chọn 4 ngành gần nhau trong một trường ĐH. Khi chọn những ngành có sự giao thoa với nhau càng lớn, cơ hội chọn đúng nghề cao hơn; tránh trường hợp chọn những chuyên ngành trái ngược nhau về mặt tính chất lao động cũng như yêu cầu đối với tính cách. Tiếp đến, trong các trường khác nhau nên xác định những trường có nguyện vọng 1 phù hợp với điểm số của mình thì mới có cơ hội trúng tuyển. Nếu các em tập trung vào nhiều môn khác nhau, chất lượng ôn tập không đồng đều, dẫn đến điểm số thấp và cơ hội vào nguyện vọng 2 không có. Thi nhiều khối bao nhiêu thì cơ hội trúng tuyển nguyện vọng 1 và 2 càng thấp bấy nhiêu, trừ những em muốn vào trường dân lập, trường mới mở.
Do đó, trong khoảng thời gian từ 1 - 30/4 (thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi), các em nên nghiên cứu kỹ, suy nghĩ chín chắn để lựa chọn cho mình môn học phù hợp với sở trường. Các em đã chọn, nên tiếp tục suy nghĩ thấu đáo, nếu muốn vẫn có thể thay đổi để tạo cho mình cơ hội tốt nhất trước cánh cửa cuộc đời.
Học sinh trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. Ảnh: Chiến Công
|