"Bội thực" giải thưởng
Giải thưởng Làn sóng xanh vừa kết thúc, giải Mai Vàng vào cuộc khai màn các đề cử, rồi Giải thưởng Video trở nên "nóng hổi" sau mỗi tuần nhờ sự lên xuống của các đề cử. Đó là chưa kể hàng loạt các giải thưởng âm nhạc của các trang web, các cộng đồng mạng cũng được thổi phồng và thông tin tràn lan. Thị trường nhạc Việt "bội thực" với các giải thưởng. Không khó để nhận thấy, các đề cử của giải thưởng năm sau cũng tương tự như năm trước. Giải nhạc Việt gần như quanh quẩn những cái tên như: Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Minh Hằng, Hồ Quỳnh Hương, Noo Phước Thịnh… Hiện tượng một ca sĩ nhận nhiều giải thưởng ở các hạng mục khác nhau đã khiến cho khán giả không còn mấy hào hứng, hồi hộp mong chờ.
Cuộc chạy đua của các "đại gia" giải thưởng âm nhạc dường như đang dần "mất thiêng", ngay cả người được đề cử nhận giải thưởng cũng không còn hào hứng và tự hào về danh hiệu này. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng tâm sự: "Tôi rất muốn rút lui khỏi các đề cử giải thưởng để thay vào đó là những tên tuổi mới và trẻ hơn". Càng những nằm gần đây, khán giả càng không mấy mặn mà với các giải thưởng đang gây nhàm chán, không có sự bứt phá, sáng tạo mới, đó là chưa kể giải thưởng vô tình tạo ra cuộc đua giữa các fan (người hâm mộ) bầu chọn cho "thần tượng" của mình.
Cổ vũ cho "thảm họa"
Giống như nhiều cuộc thi khác, các giải thưởng âm nhạc này hầu hết lại do khán giả, hay nói đúng hơn là fan quyết định. Phần lớn các giải thưởng đều nhờ vào tin nhắn, số vote đã phần nào đẩy giải thưởng vào cuộc "đua" giữa các fan. Muốn "bảo vệ" và khẳng định đẳng cấp của thần tượng của mình bắt buộc họ phải liên tục nhắn tin bầu chọn. Cách trao "quyền lực" kiểu này đã khiến cuộc thi thiếu yếu tố khách quan, công bằng.
Nhiều nghi vấn đặt ra, liệu giải thưởng âm nhạc Việt thời gian gần đây đã "tôn vinh" đúng đối tượng và mục đích của nó chưa. Còn nhớ, gương mặt ca sĩ triển vọng 2010 do Zing phát động đã thuộc về ca sĩ Vĩnh Thuyên Kim với ca khúc "thảm họa" như "Teen vọng" cổ khiến nhiều khán giả thất vọng về sự "phóng khoáng" của giải thưởng. Có lẽ, việc có quá nhiều giải thưởng không rõ ràng về tiêu chí, cũng như mục đích nên việc tôn vinh đúng người đang bị đánh đồng với mục đích thương mại hóa. Chính vì vậy, mới có dư luận về chuyện "thuê" người bình chọn cho chính mình.
Không hiểu tiêu chí và cách thức chấm giải thế nào mà một chương trình MTV Việt hóa như Giải thưởng Video âm nhạc Việt lại phát một video rap có nội dung không khác gì "thảm họa". Ca khúc này đã lọt vào Top 10 video âm nhạc được bình chọn, và nếu như đây được coi là video đại diện cho nhạc Việt phát trên kênh MTV châu Á thì quả đúng là "thảm họa". Nhạc sĩ Quốc Trung, biên tập Giải thưởng Video âm nhạc chia sẻ: "Tôi nghĩ Giải thưởng Video âm nhạc Việt là một giải đề cao sự hỗ trợ các ca sĩ và mang đến niềm vui. Đã là một cuộc vui thì người ta sẽ tự giác chơi với nhau chứ không cần phải căng thẳng hay gian lận để đoạt giải".
Bức tranh nhạc Việt đang được tô lên bởi nhiều thứ sắc màu giải thưởng. Thực chất các giải thưởng này có đại diện cho tình hình chung của thị trường âm nhạc Việt hay không còn là chuyện phải bàn. Việc tìm được chủ nhân giải thưởng đúng như mục đích và tiêu chí của chương trình thật khó. Có lẽ, việc trao các giải thưởng âm nhạc cũng chỉ như cuộc vui, đến hẹn lại lên, còn để tìm được chất lượng thực sự đẩy thị trường âm nhạc phát triển quả không dễ dàng.
Xã hội hóa giải thưởng đôi khi trở thành con dao hai lưỡi, tôn vinh không đúng sẽ làm mất uy tín ngay cả những người trong cuộc. Chỉ khi nào khoảng cách giữa Hội đồng nghệ thuật và khán giả được rút ngắn thì sự tôn vinh ấy mới thực sự xứng đáng và đảm bảo chất lượng giải thưởng chung của nhạc Việt.