KTĐT - Mỗi năm, chợ làng Nhân Chính chỉ họp một lần vào ngày 27 tháng Chạp. Bởi vậy, ngay từ tờ mờ sáng, những ngõ nhỏ dẫn ra đình đã rộn rã tiếng người.
Bà cụ Thư vẫn cứ lấn bấn mãi với phiên chợ làng Nhân Chính năm nay. Mấy hôm trước, bà còn bảo với ông lão ở nhà là sẽ không ra gốc gạo già ngồi như mọi bận nữa. Tò he bây giờ có mấy người mua đâu.
Vậy mà, sớm nay, bà cụ tóc bạc trắng ấy lại lụi cụi gánh thúng bột nếp tò he ra mở chợ.
Phiên chợ trong đồng dao của trẻ
Mỗi năm, chợ làng Nhân Chính chỉ họp một lần vào ngày 27 tháng Chạp. Bởi vậy, ngay từ tờ mờ sáng, những ngõ nhỏ dẫn ra đình đã rộn rã tiếng người. Những cô, bác hàng ngày còn lấn bấn với cơm áo gạo tiền hôm nay sẽ thảnh thơi vào chợ Tết. Họ mang theo đủ món đồ, từ chùm bóng bay sặc sỡ sắc màu, bầy rùa nho nhỏ đến những cành lộc um tùm xanh mướt.
Bà lão bảo: “Khác với mọi nơi, người làng Nhân Chính có một quy ước ngầm với nhau rằng chợ 27 là chợ chỉ dành riêng cho trẻ nhỏ”. Vào dịp này, các cháu sẽ được cha mẹ dắt ra chợ để mua những món đồ mình thích lấy may cho Tết.
Suốt dọc đường từ cống Mọc vào chợ, từng tốp học sinh háo hức đổ về. Bọn trẻ vẫn mặc nguyên bộ đồng phục líu ríu bước thấp bước cao vội vàng bảo nhau: “Nhanh lên không hết chợ”. Tuồng như chúng đã đợi ngày này lâu lắm rồi.
“Tối qua ông bà cháu đã lì xì trước cho cháu để đi chợ. Cả đêm hôm qua cháu không ngủ được chỉ mong trời mau sáng. Chỉ tiếc là hôm nay vẫn phải đi học nên đến tận trưa cháu mới ra đấy. Năm nay bố mẹ cháu đã đồng ý để cháu mua một con rùa," cháu Nhật Minh (Trường tiểu học Nhân Chính) hớn hở khoe.
Đắt hàng nhất là những món đồ chơi nhiều màu sắc. Các bé gái ngồi mê mải bên những mẹt đầy ắp nào dây buộc tóc, vòng tay, nhẫn đá… Phải rất lâu sau chúng mới dứt được ra. Trên tay bé nào cũng cầm những món đồ xinh xinh ... rất con gái.
Lũ con trai hiếu động hơn ngồi vây kín hàng bán chó lúc lắc. Những bàn tay nhỏ xíu chỉ chực lúc anh chủ hàng quay đi là chọc chọc vào cái đầu nhỏ xinh của chú cún giả. Mỗi lần cún lắc đầu, cả bọn lại ôm bụng cười không dứt.
Mấy bác bán bánh rán hôm nay cũng được ngày “cháy” hàng. Mùi bánh thơm lừng góc chợ. Lũ trẻ ríu rít tranh nhau mua vì chẳng mấy khi chúng được ăn “thả cửa” chỉ với vài nghìn lẻ.
Vừa bỏm bẻm nhai trầu, bà cụ Thư vừa luôn tay nặn tò hè cho lũ cháu nhỏ. Chúng tò mò đứng xem những cục bột “cựa mình” hóa thân thành ông Ba Mươi, chú lợn hồng béo tròn hay thành những anh hùng như ông Quan Vũ mặt đỏ râu dài, chú Tôn Ngộ Không đứng một chân múa gậy.
“Cũng may là mỗi năm còn được một dịp để bọn trẻ biết Tết quê. Thú thực, giữ được cái chợ này giữa lòng phố khó lắm”, bà Thư nói.
Chữ quê... bớt "quê"
Càng về trưa phiên chợ càng ồn lên tiếng trẻ. Cả lũ trẻ ở nơi khác cũng đã tò mò kéo đến xem.
Gánh tò he chuẩn bị cả đêm qua chẳng mấy chốc được bán hết sạch nhưng bà cụ vẫn chưa ra về. Bà muốn ở lại “ngó nghiêng” chợ Tết.
Nhưng chỉ được một lát, bà đã ngồi thừ ra một góc nhìn lũ trẻ vừa mới còn tíu tít bên mình giờ đã đứng chật kín gian bán súng đồ chơi đối diện. Những cây súng với đủ hình thù, màu sắc bắt mắt ngay lập tức trở thành tâm điểm của chợ trẻ con làng Nhân Chính. Trong một lúc, lũ trẻ như quên ngay những ông Ba Mươi, Quan Vân Trường… bằng bột nếp đang cầm trên tay để với lấy thứ đồ chơi phát tiếng như đạn nổ. Chúng giơ súng vào nhau, cười như nắc nẻ.
Một học sinh khẳng định: “Những con giống trông rất thích nhưng chỉ mang về mấy ngày là chán. Chúng cháu mua thêm cả súng nhựa về, chơi trò đánh trận, chống khủng bố mới vui”.
Ngay gần đấy, có người còn mang cả chuột, bọ ra bán cho lũ trẻ hiếu kỳ về… chơi Tết.
Nhưng đó chưa phải là điều khiến bà buồn nhất. Nhìn cảnh hơn chục cháu học sinh vẫn còn thắt khăn quàng đỏ túm tụm bên những trò đỏ đen len lỏi khắp chợ, bà Thư không sao nén được tiếng thở dài.
“Ngày trước, chợ còn thưa thớt, hàng hóa cũng không nhiều như bây giờ nhưng được cái chẳng hề có súng ống hay cờ bạc đỏ đen bao giờ. Thời ấy, lũ trẻ chúng tôi chỉ cần được mẹ mua cho một tấm bánh đa, bánh đúc với chú tò he là đã vui cả mấy ngày,” bà Thư nhớ lại.
Bà chỉ lo, với cái đà “phố hóa” phiên chợ quê nhất Hà thành này, chẳng biết dăm năm nữa, lũ trẻ làng Nhân Chính liệu có còn dịp tận mắt thấy những con giống được làm bằng bột nếp, tấm bánh đúc đậm đà mà giản dị nữa hay không?/.