Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rộn ràng hàng Tết về nông thôn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Để người dân các huyện ngoại thành tiếp cận với hàng Việt Nam chất lượng cao và mang đến hương vị Tết cổ truyền ấm áp, ngày 1/2 tại các huyện Thạch Thất, Sóc Sơn, Đan Phượng, Từ Liêm, Đông Anh, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã đồng loạt khai mạc 5 phiên chợ Tết. Ngay từ sáng sớm tại phiên chợ Tết tổ chức ở huyện Thạch Thất đã tấp nập người mua bán.

Ông Hoàng Quang Thắng, Phó Giám đốc Công ty Siêu thị Hà Nội cho hay: Mặc dù hôm nay (2/2) mới khai trương bán hàng nhưng ngay từ chiều tối hôm trước người dân đã đến xem và mua sắm.

Rộn ràng hàng Tết về nông thôn - Ảnh 1

Người dân huyện Thạch Thất mua hàng bình ổn giá tại phiên chợ Tết. Ảnh: Hoài Nam

Có được như vậy là bởi đơn vị không chỉ bày bán những mặt hàng thiết yếu trong ngày Tết như: Giò, nem, bánh mứt kẹo, rượu, bia… mà còn cung ứng 9 nhóm mặt hàng bình ổn giá được bán giá thấp hơn giá thị trường; Tổng giá trị lượng hàng hóa bày bán tại đây lên đến 7 tỷ đồng. "Chúng tôi cam kết nguồn hàng cung ứng chất lượng, số lượng đảm bảo, giá bán hợp lý cho người dân đến hết chương trình" - ông Thắng cho biết.

Chị Ngô Thị Thắng, thôn Chi Quan (Thạch Thất) nhận xét: Giá bán một số mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, nước mắm… rẻ hơn trên thị trường từ 10 - 15%. Trong khi đó, nhiều người dân thị trấn Thạch Thất đều có chung nhận xét: Hàng hóa bán tại phiên chợ Tết đa dạng phong phú, giúp người dân không phải vào nội thành mua sắm. Hơn nữa, ở đây toàn là hàng Việt Nam có nhãn mác, địa chỉ rõ ràng nên không sợ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. 

Hàng tốt, giá lại rẻ hơn thị trường bên ngoài nên ngay trong sáng ngày khai mạc, một lượng hàng hóa trị giá trên 300 triệu đồng đã được bán ra tại phiên chợ Tết tại huyện Thạch Thất. Ông Nguyễn Văn Đồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đánh giá: Việc doanh nghiệp tổ chức chợ Tết tại các huyện ngoại thành đã góp phần kích cầu tiêu dùng trong dịp Tết. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần dự trữ đủ hàng hóa, chất lượng đảm bảo, nhất là các mặt hàng thiết yếu nằm trong diện bình ổn giá. Hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, từ nay đến ngày 30 tháng Chạp, các đoàn kiểm tra của Sở Công Thương sẽ tập trung kiểm tra các siêu thị, chợ đầu mối, doanh nghiệp cung ứng hàng Tết... qua đó, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ ép giá, găm hàng..., gây bất ổn thị trường trong dịp Tết Nguyên đán.