Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rộng cửa thị trường thủy sản vào Mỹ: Cá tra và tôm Việt Nam ngơ ngác

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thảm họa tràn dầu tại vịnh Mexico hồi cuối tháng 4-2010 khiến thị trường Mỹ thiếu hụt một lượng cung lớn thủy sản khai thác từ vùng biển này và thủy sản nhập khẩu sẽ là nguồn thay thế. Cá tra và tôm Việt Nam có tận dụng được cơ hội này hay không?

KTĐT - Thảm họa tràn dầu tại vịnh Mexico hồi cuối tháng 4-2010 khiến thị trường Mỹ thiếu hụt một lượng cung lớn thủy sản khai thác từ vùng biển này và thủy sản nhập khẩu sẽ là nguồn thay thế. Cá tra và tôm Việt Nam có tận dụng được cơ hội này hay không?

Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL
Thu hoạch cá tra ở ĐBSCL . Ảnh: Sáu Nghệ

Cá tra giảm giá

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Mỹ đang nhập cá da trơn từ 11 quốc gia trên thế giới, Việt Nam có khối lượng và trị giá lớn nhất. Còn 8% lượng tôm tiêu thụ ở Mỹ được khai thác từ vịnh Mexico, nay việc khai thác ở vùng vịnh này bị cấm khiến giá tôm nhập khẩu vào Mỹ tăng 15-20% so với thời điểm trước khi xảy ra thảm họa.

Xuất cá tra sang Mỹ, hiện Việt Nam có 10 doanh nghiệp hàng đầu. Doanh nghiệp đạt sản lượng và trị giá lớn nhất là Cty Cổ phần Vĩnh Hoàn ở tỉnh Đồng Tháp. Lãnh đạo phòng xuất nhập khẩu của Cty cho biết, kể từ sau thảm họa tràn dầu ở vịnh Mexico, sản lượng xuất vào Mỹ của Cty có tăng nhẹ, nhưng giá không tăng, thậm chí còn giảm.

Cty Cổ phần Việt An ở tỉnh An Giang, có sản lượng cá tra xuất sang Mỹ tăng khoảng 20% so với trước thảm họa tràn dầu nhưng giá không tăng...

Doanh nghiệp có cá tra xuất sang Mỹ với giá cao là Cty Cổ phần Thủy sản Bình An ở TP Cần Thơ, giá xuất bình quân 3,493 USD/kg. Cty cho biết, hiện đang thực hiện hợp đồng cũ, còn hợp đồng mới có giá như thế nào thì chưa thể khẳng định nhưng khó tăng vì cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Việt Nam.

Vấn đề doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam tự cạnh tranh nhau bằng cách hạ giá, được đặt ra từ giữa năm 2008, đến nay tình hình chưa có gì thay đổi. VASEP đang tập hợp 10 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu để thỏa thuận giá sàn, từ đó, kiến nghị các cơ quan quản lý không làm thủ tục cho các lô hàng có giá xuất thấp.

Muốn xuất tôm phải nhập nguyên liệu

Sau sự cố tràn dầu ở vịnh Mexico, sản lượng tôm của Thái Lan xuất sang Mỹ tăng 16,4%, còn tôm Việt Nam xuất vào Mỹ lại giảm 3,3%. Cty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú ở Cà Mau, một doanh nghiệp lớn về chế biến và xuất khẩu tôm của Việt Nam, cho biết, đơn đặt hàng từ các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ tăng nhiều nhưng không đáp ứng được hết, do thiếu tôm nguyên liệu.

Hiện nay, giá tôm nguyên liệu đã đạt mức cao nhất trong 10 năm qua. Loại 20 con/kg có giá 180.000 đồng/kg, loại kém nhất là 40 con/kg giá cũng đã vượt mức 130.000 đồng/kg. Giá này cao gấp đôi những năm 2008, 2009. Vào đầu vụ tôm năm 2010, nhiều nhà máy chế biến tôm ở ĐBSCL đã thiếu nguyên liệu, nay vào vụ chính cũng thiếu, có nhà máy chỉ hoạt động 30% công suất.

Nguyên nhân chính là thiếu quy hoạch. Hiện chưa địa phương nào quy hoạch được vùng nuôi. “Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn ở Bạc Liêu phân tích, năm 2008 được mùa tôm nhưng giá rớt khoảng 25% so với năm trước đó, năm 2009 nhiều người “treo ao”. Sang năm 2010, thời tiết nắng nóng, làm tôm đầu vụ thất bại, người nuôi chần chừ và khi nhu cầu xuất khẩu tăng lên, tình trạng khan hiếm tôm nguyên liệu càng gay gắt.

Giữa chế biến và nuôi trồng cũng thiếu quy hoạch. Riêng 3 tỉnh trọng điểm tôm của ĐBSCL là Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, đã có gần 100 nhà máy chế biến tôm với tổng công suất gần gấp đôi sản lượng tôm nuôi tại chỗ. Tổng GĐ Cty Cổ phần Thực phẩm Đại Dương Nguyễn Hữu Thành (Cà Mau) than thở, diện tích nuôi tôm thu hẹp mà nhà máy chế biến đua nhau mọc lên, thiếu quy hoạch nên sản xuất kinh doanh khó khăn.

Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe nhận định, từ nay đến cuối năm muốn xuất khẩu tôm sẽ phải nhập nguyên liệu.