Để đạt các chỉ tiêu kinh doanh đề ra, lãnh đạo NH còn "méo mặt" vì lo xử lý nợ xấu, tăng lợi nhuận để có dư địa chia cổ tức, thưởng cuối năm.
Vật vã kiếm khách
Mấy ngày nay, các nhân viên giao dịch tại chi nhánh Techcombank Hà Nội lo lắng hoàn thành chỉ tiêu tín dụng. Một giao dịch viên mới cho hay: “Ở phòng giao dịch của em, mỗi giao dịch viên phải huy động vốn tối thiểu 500 triệu đồng/tháng, nếu không huy động thì cho vay”. Bởi thế, nhân viên này đang phải "huy động" người thân, bạn bè để "chạy" cho đủ chỉ tiêu, hạn chế bị nộp phạt vì thu nhập của giao dịch viên cũng không cao.
Trung bình mỗi tháng, Minh Quang - nhân viên tín dụng NH VPBank bị áp chỉ tiêu 2 tỷ đồng. Áp lực với nhân viên tín dụng là rất lớn. Chính vì áp lực này khiến nhiều nhân viên tín dụng, trong đó có Quang đau đầu, “đỏ mắt” tìm khách vay. “Nếu gặp được khách hàng tốt, hồ sơ đẹp thì còn đỡ. Nhưng có không ít khách hàng, nhân viên tín dụng phải “đánh vật” với hồ sơ. “Tháng cuối năm mà có cố gắng lắm chắc em cũng chỉ đạt được 2/3 chỉ tiêu là cùng” - Quang lo lắng.
Ngoài chịu áp lực chỉ tiêu tín dụng, nhân viên các NH còn bị giao chỉ tiêu phát hành thẻ tín dụng, nhất là vào dịp cuối năm. Thu Hiền, nhân viên một NH TMCP trên phố Duy Tân (Hà Nội), đứng ngồi không yên vì vẫn chưa đủ số lượng 20 thẻ tín dụng được giao, trong khi chỉ còn một tháng nữa là hết năm. “Giờ kiếm được khách hàng không dễ vì NH quốc doanh cũng cạnh tranh bán lẻ”.
Là khách hàng của VietinBank, chị Phương Thảo (ở Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội) khá ngạc nhiên khi một lần tới giao dịch tại một phòng giao dịch của NH này chị lại được “mời” mở thẻ tín dụng. Vốn là khách hàng quen, hay giao dịch tại đây nên không những mời chị, nhân viên tại đây còn “gửi gắm” chị Thảo thêm vài bộ hồ sơ mở thẻ nữa với lời nhờ vả: “Chỉ cần chị mở thẻ rồi 2 tháng sau ra báo đóng cũng được, giúp em để đủ chỉ tiêu nhé”.
Áp lực lợi nhuận và nợ xấu
Gọi điện, đăng quảng cáo trên mạng xã hội, nhân viên tín dụng còn tiếp thị gõ cửa từng nhà tại các khu chung cư, tổ dân phố… để tìm kiếm khách vay. Anh Đức Chiến - Trưởng phòng Khối khách hàng cá nhân một NHTM tại Láng Hạ (Hà Nội) cho biết, “chiêu” tiếp thị vốn vay tại nhà, tổ dân phố, khu chung cư… không phải là chủ trương mà NH đề ra cho nhân viên, đó chỉ là cách tiếp thị mà mỗi nhân viên tín dụng nghĩ ra để tìm kiếm khách hàng, đạt chỉ tiêu doanh thu mỗi tháng. Anh Chiến thừa nhận, không chỉ nhân viên chịu áp lực, mà lãnh đạo còn áp lực hơn gấp nhiều lần. Nếu không, không chỉ bị phê bình mà kết quả kinh doanh thấp sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề lương, thưởng, chỉ tiêu đánh giá khác của chi nhánh.
Đến nay, nợ xấu của hệ thống NH đã giảm mạnh, chỉ còn dưới 3%. Nhưng nhiều NH vẫn đang phải “cày” cật lực, “thắt lưng buộc bụng” để có lợi nhuận xử lý nợ xấu. Là một trong những NH từng bị nợ xấu khá cao, nhiều khoản nợ nằm trong bất động sản, áp lực xử lý nợ xấu của Eximbank rất lớn, dù đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) 7.000 tỷ đồng nợ xấu. Với số nợ này, bình thường phải mất 10 - 15 năm mới xử lý được nhưng NH ra chỉ tiêu chỉ giải quyết trong 3 - 5 năm. Để có thể đạt được mục tiêu, NH phải đạt lợi nhuận ít nhất 300 tỷ đồng/tháng. Áp lực là rất lớn. “Và khi ưu tiên lợi nhuận để xử lý dứt điểm nợ xấu thì cổ tức cho cổ đông không còn” - ông Phạm Hữu Phú - Tổng Giám đốc Eximbank chia sẻ.
Khách hàng làm thẻ tín dụng tại một chi nhánh AgriBank. Ảnh: Thanh Hải
|