Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rốt ráo lấy nước gieo cấy vụ Xuân

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 0 giờ sáng nay (21/1), các hồ thủy điện bắt đầu mở cửa xả nhằm cung cấp nguồn nước cho 12 tỉnh, TP khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ gieo cấy vụ Xuân 2019. Cùng với các địa phương khác, Hà Nội đang tập trung chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị rốt ráo triển khai lấy nước đạt hiệu quả cao nhất.

Ảnh: Lâm Nguyễn
Chủ động lấy nước sớm

Từ khoảng một tháng nay, các DN thủy lợi của Hà Nội đã tổ chức vận hành hàng trăm trạm bơm, lấy nước, trữ nước vào hệ thống ao hồ, sông ngòi, kênh mương thủy lợi… Ghi nhận tại Trạm bơm Phù Sa (thị xã Sơn Tây), những ngày qua, hàng chục nhân công được huy động, túc trực 24/24 giờ, vận hành 32 tổ máy bơm dã chiến với tổng công suất 35.200m3/giờ. Đây là những tổ máy được TP hỗ trợ đầu tư từ giữa năm 2018. Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Tích Đặng Tuấn Hùng, Trạm bơm Phù Sa đóng vai trò quan trọng trong việc cấp nước cho các huyện: Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai và thị xã Sơn Tây. Tuy nhiên, trước khi được TP đầu tư, trạm bơm vận hành khá khó khăn, do mực nước sông Hồng đạt thấp.

Cùng với Công ty Thủy lợi sông Tích, 4 DN thủy lợi khác của Hà Nội cũng đã hoàn thành sửa chữa, bảo dưỡng các thiết bị điện, công trình thủy, cống lấy nước, thiết bị bơm tưới... Hiện, các DN thủy lợi đang vận hành trên 189 trạm bơm với 346 tổ máy bơm, chủ động lấy nước sớm phục vụ bà con nông dân gieo cấy vụ Xuân 2019. Thống kê đến nay, tổng diện tích ruộng đồng trên địa bàn Hà Nội đã có nước đạt khoảng 20.000ha, tập trung chủ yếu tại các huyện: Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức và Phú Xuyên.

Tránh lãng phí, thất thoát nguồn nước

So với một vài năm trước, công tác lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2019 đã thuận lợi hơn. Bên cạnh hàng chục tổ máy bơm được TP đầu tư, hiện mực nước nhiều hồ thủy lợi trên địa bàn Hà Nội đang ở mức cao. Ngoài hồ Tân Xã đạt khoảng 60% thì 12 hồ chứa lớn nhất của TP còn lại đều có mực nước đạt trên 90% dung tích thiết kế với tổng dung tích trữ nước đạt khoảng 146 triệu mét khối. Để bảo đảm nguồn nước cho gieo cấy vụ Xuân, Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, từng bước tiến hành lắp đặt 288 trạm bơm dã chiến với tổng số 402 máy bơm các loại. Đây sẽ là nguồn cấp bổ sung quan trọng cho những diện tích canh tác thường xuyên gặp khó về nguồn nước.
Theo kế hoạch, tổng thời gian lấy nước gieo cấy vụ Xuân 2019 là 16 ngày, chia làm 3 đợt. Đợt 1 từ 0 giờ ngày 21/1 đến 24 giờ ngày 24/1; đợt 2 từ 0 giờ ngày 31/1 đến 24 giờ ngày 3/2, và đợt 3 từ 0giờ ngày 15/2 đến 24h ngày 22/2. 
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương cho biết, theo kế hoạch, vụ Xuân 2019, TP tổ chức gieo cấy 98.000ha lúa. Những năm qua, có khoảng 65% diện tích trên phụ thuộc nguồn nước từ hệ thống sông Đà, sông Hồng, sông Đuống. Chính vì vậy, các đơn vị liên quan cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước trên hệ thống sông trong thời gian các hồ thủy điện xả, huy động mọi nguồn lực lấy nước tập trung, triệt để, bảo đảm hiệu quả và tiết kiệm.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Tỉnh, tổng diện tích gieo cấy vụ Xuân 2019 của Hà Nội chiếm tới gần 1/6 tổng diện tích canh tác toàn khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ. Thực tế, cùng với hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, những năm gần đây, việc lấy nước của Hà Nội ít nhiều khó khăn hơn, do mực nước trên các sông đạt thấp. Chính vì vậy, Hà Nội cần chủ động, tích cực ngay trong những ngày đầu tiên các hồ thủy điện mở cửa xả. Ông Tỉnh cũng thông tin thêm, mỗi ngày xả nước hồ thủy điện, ngành công thương sẽ mất khoảng 100 tỷ đồng. Chính vì vậy, Hà Nội cũng như các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt công tác lấy nước, tránh rò rỉ, thất thoát nhằm tiết kiệm tối đa nguồn nước.