Đau đáu nỗi lo
Thời gian qua, nhiều vụ vận chuyển thịt thối, chế biến mỡ bẩn... liên tục được ngành chức năng bắt giữ khiến người dân hoang mang. Nếu không bị phát hiện, các loại thực phẩm bẩn này sẽ được "hô biến" thành các món ăn thơm ngon tại các nhà hàng, quán ăn.
Dạo một vòng quanh chợ đầu mối Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội), chúng tôi chứng kiến hàng chục cửa hàng bán gà sống nằm sát nhau, song tất cả đều không có dấu kiểm dịch của thú y. Ai có thể khẳng định rằng, mỗi ngày, hàng nghìn con gà được bày bán tại đây không phải là gà thải loại? Đó còn chưa kể, gần đây, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều thủ đoạn kinh doanh thực phẩm "bẩn" tinh vi của các chủ hàng như dùng hóa chất biến phổi lợn thành thịt bò khô, chế biến chà bông (ruốc) từ thịt gà thối, vú lợn thối thành vú dê nướng tươi ngon, nhúng thịt gà vào nước dầu hôi để làm đẹp da gà hay kinh hoàng hơn là vụ măng chua ngâm hóa chất độc, để 2 năm không hỏng...
Những vụ việc liên tiếp được phanh phui khiến người dân luôn thấy bất an, lo lắng. Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) nhận định, tình hình vi phạm về ATTP thời gian qua tiếp tục diễn biến phức tạp. Các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm “bẩn”, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt... đang là nguyên nhân chính gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm.
Ông Phong cũng thừa nhận, hiện còn nhiều khó khăn trong công tác xử lý vi phạm liên quan tới ATTP, bởi nhân lực thanh tra của cơ quan chỉ có 7 người nhưng số lượng DN cần kiểm tra lên tới hàng chục nghìn đơn vị lớn, nhỏ. Còn ông Trương Đình Minh - Phó Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14, Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, hiện nay, các đối tượng vận chuyển, buôn bán thực phẩm "bẩn" đã ngụy trang, che giấu hàng dưới nhiều thủ đoạn tinh vi, vận chuyển gà lậu bằng xe ô tô dân dụng đời mới hoặc vận chuyển kèm theo nhiều hàng hóa khác. Có trường hợp làm giả giấy tờ kiểm dịch cơ quan thú y, gây khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý.
Tăng cường kiểm tra, xử lý
Để dẹp vấn nạn thực phẩm "bẩn" thời điểm cận Tết Nguyên đán, ông Phong cho biết, thời gian tới, lực lượng thanh tra sẽ tập trung vào các nhóm thực phẩm được người dân sử dụng cao trong dịp Tết. Theo đó, từ nay đến 25/3, 6 đoàn kiểm tra liên ngành T.Ư tiếp tục thanh tra tại 12 tỉnh, TP trọng điểm và tập trung vào các mặt hàng như rượu, bia, nước giải khát, thịt, các loại bánh truyền thống. Cơ sở nào không đảm bảo thì rút giấy phép, kiên quyết không để tuồn thực phẩm "bẩn" ra thị trường. Cũng theo ông Phong, chỉ có xử phạt nghiêm mới đủ sức răn đe, ngăn chặn các chủ hàng, DN có ý định kinh doanh thực phẩm mất an toàn.
Còn theo ông Minh, lực lượng QLTT Hà Nội sẽ kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề bức xúc, nổi cộm về ATTP. Ngoài ra, QLTT TP cũng sẽ tập trung cao điểm kiểm tra những mặt hàng có nhu cầu sử dụng lớn trong thời điểm Tết, đặc biệt là sản phẩm đông lạnh tại các cửa hàng, siêu thị, sản phẩm phụ gia thực phẩm…
Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, ông Phong cho rằng, khi mua thực phẩm, người tiêu dùng cần chú ý nguồn gốc xuất xứ, nhất là nhãn mác, hạn sử dụng… “Có thể dùng cảm quan để nhận dạng các tiêu chuẩn về ATTP, chú ý các sản phẩm bị dập nát biến dạng; chỉ mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm không có màu sắc khác thường, không bị ôi thiu, mốc, ố, ươn, hỏng, có mùi khác lạ” - ông Phong khuyến cáo.
Cơ quan chức năng thu giữ thực phẩm bẩn tại Hà Nội. ảnh: Dương Ngân
|