Phản khoa học
Cứ mỗi lần sau khi ăn xong, anh Nguyễn Xuân Nam (Thanh Xuân, Hà Nội) lại dùng tăm tre để xỉa răng. Một thời gian dài xỉa răng bằng tăm, chân răng anh dần thưa ra, sưng và đau. Đi khám, bác sĩ cho biết anh bị bệnh viêm lợi, phải điều trị lâu dài, bệnh dễ tái phát.
Nguyên nhân do anh vệ sinh răng miệng không đúng cách, trong đó thói quen xỉa răng bằng tăm hàng ngày khiến anh rước bệnh.
Tương tự, chị Trần Thu Hoài (Đống Đa, Hà Nội) lại bị bệnh viêm nha chu vì thói quen tai hại này. Chị Hoài cho biết, cứ mỗi lần ăn xong, không xỉa răng là chị thấy khó chịu. Đi khám mới biết, chính vì cách xỉa răng và chăm sóc răng phản khoa học ấy, chị bị bệnh viêm nha chu.
Bác sĩ cho biết, do chị xỉa răng không đúng cách, vi khuẩn bám vào khe răng. Chính vi khuẩn tích tụ trong các mảng bám này đã gây viêm nướu răng. Theo thời gian, mảng bám răng bị vôi hóa (cứng dần) thành vôi răng (còn gọi là cao răng). Khi ấy, nướu sẽ bị viêm nặng hơn, bệnh chuyển sang giai đoạn viêm nha chu.
Ảnh minh họa.
Theo PGS.TS Trịnh Đình Hải, Giám đốc BV Răng Hàm Mặt T.Ư, ở nhiều nước khu vực châu Á, đặc biệt là ở Việt Nam, rất nhiều người dân vẫn có thói quen dùng tăm xỉa răng sau mỗi bữa ăn theo cách đẩy, chọc mạnh vào các kẽ răng với mục đích lấy thức ăn thừa và các mảng bám ra khỏi răng.
Ngoài tăm tre, một số người còn dùng cả những cành cây nhỏ, những vật nhọn… bất kể chúng có đảm bảo vệ sinh hay không để xỉa răng. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta đang đẩy thức ăn sâu hơn vào chân răng.
Ngoài ra, đầu tăm xỉa răng rất cứng có thể làm mòn kẽ răng và gây ra thưa các kẽ răng, tạo các kẽ hở giữa các răng. Kẽ hở ngày càng lớn thì càng dễ để "nhồi nhét" thức ăn làm hại răng. Hậu quả là, có thể gây viêm nướu, tụt nướu, tiêu xương dẫn đến tình trạng đau nhức, nhiễm trùng, ê buốt do mòn răng.
Chỉ nên dùng chỉ nha khoa
Cũng theo PGS.TS Trịnh Đình Hải, giải pháp làm sạch răng cần đánh răng thường xuyên, ít nhất 2 lần/ngày, và sử dụng chỉ nha khoa, nước súc miệng để làm sạch các mảng bám. Tuy nhiên, việc sử dụng chỉ nha khoa thay cho tăm ở Việt Nam hiện nay thấp, ngay ở các TP lớn chỉ 4 - 5% người dân sử dụng chỉ nha khoa, các vùng nông thôn còn thấp hơn nhiều.
Các chuyên gia nha khoa khuyến cáo, người dân nên thay đổi thói quen, dùng chỉ nha khoa thay cho xỉa răng bằng tăm để tránh được nhiều bệnh về răng miệng.
Cách dùng chỉ nha khoa là, lấy một đoạn chỉ dài khoảng 30 - 45cm, cuộn hai đầu chỉ vào hai ngón giữa, căng đoạn chỉ này bằng hai ngón cái và ngón trỏ. Ở giữa sẽ còn một đoạn khoảng 3 - 5cm. Kéo nhẹ nhàng để sợi chỉ chui lọt vào kẽ răng, sau đó uốn sợi chỉ ôm quanh răng. Kéo chỉ lên xuống để làm sạch răng. Nên đưa sợi chỉ nhẹ nhàng dưới nướu một chút. Với mỗi kẽ răng, cần thực hiện động tác giống nhau ít nhất hai lần, một cho phía bên phải, một cho phía bên trái.
Khi có những biểu hiện bất thường về răng miệng, cần phải đến bác sĩ nha khoa để được khám, tư vấn và điều trị, tuyệt đối không tự điều trị theo đơn của người khác hoặc mách bảo dân gian. Ngoài ra, mọi người nên khám răng định kỳ, đừng để khi răng bị đau, nhức, sưng hoặc bị khiếm khuyết về thẩm mỹ mới chịu đi khám.
Các nghiên cứu mới nhất cho thấy, trên 90% người dân Việt Nam có vấn đề về sức khỏe răng miệng, tập trung ở các bệnh như sâu răng, viêm nướu, viêm quanh răng và 75% dân số bị sâu răng. Trong đó, tỷ lệ người lớn có bệnh viêm nướu, viêm quanh răng là trên 90%. Một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều người mắc bệnh là do thói quen chăm sóc răng miệng không đúng cách. Đáng báo động là có một tỷ lệ lớn người dân không kiểm tra sức khỏe răng miệng và không được hướng dẫn chăm sóc răng miệng. |