Kết quả “nhảy múa”Mắc bệnh tiểu đường hơn 5 năm, bà Trần Thị Xếp (64 tuổi, quận Nam Từ Liêm) phải thường xuyên đến viện để kiểm tra đường huyết. Lần nào đến cũng chỉ xét nghiệm máu rồi lấy thuốc uống như tháng trước. Ngại đi xa và xếp hàng chờ đợi, nên bà Xếp tự mua máy kiểm tra đường huyết tại nhà với giá 1,2 triệu đồng. Tuy nhiên, dùng máy được một tháng, bà nhận thấy kết quả đo liên tiếp 2 - 3 lần trong cùng một buổi sáng khác nhau. Đem băn khoăn này hỏi bác sĩ điều trị cho bà tại viện, bà Xếp được giải thích, với loại máy không đạt chuẩn, những người có chỉ số đường huyết trung bình thì máy đo tương đối đúng, nhưng khi chỉ số này tăng cao, máy cũng chỉ nhích lên không đáng kể khiến người dùng dễ bị nhầm lẫn. Điều này có thể dẫn tới hậu quả khôn lường cho bệnh nhân.Máy đo huyết áp cũng là một thiết bị y tế gia đình “lên ngôi” trong vài năm gần đây. Với giá thành dao động từ 650.000 - 2.000.000 đồng tùy từng hãng sản xuất, nhiều gia đình có người mắc bệnh huyết áp đều sắm để tự kiểm tra tại nhà. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thị Thủy – Khoa khám bệnh, Bệnh viện Tim Hà Nội, không ít trường hợp phải vào viện cấp cứu vì rối loạn huyết áp, trong khi máy không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo độ chính xác. “Nhiều trường hợp tăng huyết áp đã được điều trị ổn tại viện, nhưng về nhà khi dùng máy đo lại thấy huyết áp bình thường nên tự ý ngừng thuốc. Đến khi thấy người mệt mỏi, khó chịu bệnh nhân vội đến viện khám thì kết quả đo ở viện khác xa ở nhà” – bác sĩ Thủy cho hay.Tương tự, tại Bệnh viện Tai Mũi Họng T.Ư cũng đã tiếp nhận và điều trị không ít trường hợp trẻ em bị viêm mũi phù nề, viêm họng, viêm phổi do bố mẹ lạm dụng khí dung tại nhà.Không nên lạm dụngÔng Lê Thanh Hải - Viện Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) cho biết, hiện trên thị trường có khoảng hơn 10.000 chủng loại trang thiết bị y tế. Theo quy định của Bộ Y tế, thiết bị y tế lưu thông trên thị trường phải nằm trong danh mục quy định của Bộ. Tuy nhiên, không ít các cơ sở bán trang thiết bị y tế vì lợi nhuận cá nhân đã bán những máy móc không rõ nguồn gốc. Đối tượng thường hay mua phải trang thiết bị kém chất lượng lại chính là các gia đình mua lẻ do không đủ kiến thức để thẩm định.Theo các chuyên gia y tế, việc chủ động theo dõi và phát hiện bệnh sớm bằng các dụng cụ, thiết bị y tế gia đình có tác dụng không nhỏ trong quá trình điều trị bệnh. Tuy nhiên, kết quả đo còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố (chất lượng máy, cách đo, bệnh lý của người bệnh vào thời điểm đó…) nên nếu bệnh nhân đo không đúng cách, máy móc gặp trục trặc thì kết quả đo sẽ không chính xác. Với một số thiết bị y tế như máy khí dung, người dân không nên tự ý sử dụng tại nhà khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Bởi với loại máy này, những người có cơ địa dị ứng (hen suyễn, bệnh phổi mạn tính), nguyên liệu xông không đúng, liều lượng không phù hợp có thể gây kích ứng và co thắt phế quản. Ngoài ra, loại máy này cũng có thể trở thành nơi truyền bệnh nếu không được làm sạch đúng cách.Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo, để bảo vệ sức khỏe, người dân khi mua thiết bị y tế nên chọn hàng chính hãng và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. Không nên tin tưởng hoàn toàn vào các thiết bị y tế tại nhà, khi có bệnh nên đến bệnh viện chẩn đoán chính xác bệnh để được điều trị kịp thời.