Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rút lui sau dư luận

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 10 ngày “gây sốc” với dư luận khi công bố khái toán đề án đổi mới chương trình-sách giáo khoa giáo dục phổ thông và câu trả lời “gây bão”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã chính thức xin rút nội dung thảo luận về báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về đề án này.

Sau 10 ngày “gây sốc” với dư luận khi công bố khái toán đề án đổi mới chương trình-sách giáo khoa giáo dục phổ thông và câu trả lời “gây bão” trên truyền hình (“tôi phải đi nước ngoài trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng các nước ASEAN nên không thể tham gia trực tiếp. Đây là sơ xuất đáng tiếc”), Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã chính thức xin rút nội dung thảo luận về báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về đề án này. 

Như vậy, Đề án này sẽ không được trình trong kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa 8 vào tháng 5 tới. Đồng thời, Bộ GD-ĐT sẽ khẩn trương hoàn thiện để trình ra vào một thời điểm phù hợp. 
Rút lui sau dư luận - Ảnh 1
Ảnh mang tính chất minh họa, nguồn: Internet.
Trước đó, tháng 5/2011, trên khắp các mặt báo dày đặc bài viết về dự thảo đề án đổi mới chương trình học mà chủ yếu là về con số 70.000 tỉ đồng dự kiến kinh phí mà đề án đưa ra. Hồi đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Mạnh Hùng đã phải gửi công văn tới các báo để giải thích rằng 70.000 tỉ đồng chỉ là con số “khái toán” của một dự thảo đề án đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng và đưa ra để lấy ý kiến nhằm bổ sung, điều chỉnh trước khi trình các cấp có thẩm quyền quyết định. Và sau hơn hai năm “im hơi lặng tiếng” kể từ cái mà dư luận gọi là “đề án 70.000 tỉ đồng”, nét khác biệt lớn nhất của dự thảo mới là không đưa ra dự toán kinh phí. Khi dư luận “truy vấn”, Bộ mới công bố chi tiết khái toán với 5 phần chính. Riêng phần xây dựng cơ sở vật chất cũng cắt bỏ đi, để giảm bớt 35 nghìn tỉ đồng so với đề xuất trước. 

Điều lạ lùng là phải đến khi báo chí một lần nữa đồng loạt lên tiếng, các chuyên gia bức xúc góp ý, người dân băn khoăn, thì Bộ mới “thừa nhận sai sót, xin nhận trách nhiệm, tất cả những công việc tiếp theo được triển khai theo một quy trình chặt chẽ, bộ GD&ĐT sẽ xây dựng đề án xây dựng chương trình và SGK mới, trong đó sẽ nêu các công việc, định mức quy định chi tiêu, số tiền cần phải có. Đề án đó sẽ được công bố rộng rãi để xin ý kiến của dư luận và các chuyên gia, hội đồng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực”. Điều này đặt ra vấn đề là những người chính sách cần phải đi trước dư luận chứ không phải “đẽo cày giữa đường”.

Lịch sử “yếu thế” trước các môn tự nhiên

Trong khi đó, từ ngày 25/4 tới ngày 7/5, các học sinh lớp 12 phải rốt ráo lựa chọn các môn thi để hoàn thiện hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT tại trường. Sau khi hết hạn đăng ký dự thi, học sinh không được đổi môn thi tự chọn. Thi tốt nghiệp THPT năm nay chỉ có 4 môn trong đó 2 môn toán, văn là bắt buộc, 2 môn tự chọn còn lại thí sinh được lựa chọn trong số 6 môn hóa, sinh, lý, sử, địa, ngoại ngữ. Cùng thời điểm này, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập Việt Nam (VIPUA) gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề xuất Phương án kỳ thi tốt nghiệp bậc phổ thông triển khai từ năm 2015

Tuy nhiên, việc học sinh được lựa chọn môn thi tốt nghiệp là điều khiến dư luận chú ý khi Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định công bố toàn tỉnh chỉ có 4,33% học sinh lớp 12 đăng ký thi môn Sử, đại đa số các trường THPT tại TP Hồ Chí Minh có tỷ lệ học sinh chọn môn Sử chỉ từ 2% đến 5%, có trường chưa tới 1%, theo Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh, môn Sử cũng nhận được ít lựa chọn nhất với 14,94% đăng ký, trường THPT Thái Lão  (Nghệ An) cũng chỉ được duy nhất một nữ sinh lựa chọn môn Sử, trong tổng số gần 200 sĩ tử khối 12 của trường THPT Anh-xtanh (Hà Nội) chỉ có 1 nam sinh duy nhất lựa chọn thi Sử….
Thậm chí, nhân sự kiện Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tuyên dương và trao giải cho HS đoạt giải môn Lịch sử kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia năm 2013, GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cho rằng, cách thức đổi mới thi cử mà Bộ GD&ĐT đang triển khai đã đẩy môn Sử ra khỏi ý thức học sinh.  

Theo các giáo viên dạy Sử, việc ít học sinh lựa chọn môn thi Sử không phải vì các em chán ghét môn học mà là do cách ra đề lâu nay vẫn theo khuôn mẫu cứng nhắc, ép các em phải học thuộc lòng, ghi nhớ quá nhiều chi tiết của hàng trăm sự kiện lịch sử xuyên suốt các cấp học (ngày tháng, nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa). Vì thế, chỉ cần một sơ xuất nhỏ là mất điểm. Nhiều học sinh thừa nhận vì mục tiêu lớn là kỳ thi ĐH sắp tới nên các em chọn môn thi tự chọn trùng với khối ĐH để vừa giảm bớt thời gian ôn tập, vừa có thời gian ôn thêm kiến thức sâu hơn. 

Với số lượng thí sinh lựa chọn thi môn Sử quá ít như hiện nay và nhìn lại đề án đổi mới chương trình- sách giáo khoa lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng mới được Bộ xin rút lui thảo luận, nhiều người không khỏi băn khoăn, liệu hàng chục nghìn tỉ dành cho đề án sẽ có hiệu quả. Bởi sách giáo khoa chỉ giúp các em học cái gì, còn việc học như thế nào, học để làm gì, cải tiến cách dạy, cách học, cách ra đề theo hướng gợi mở để các em có kiến thức, có niềm say mê với các môn học, giúp các em rèn luyện được nhân cách, bản lĩnh, trở thành công dân sáng tạo, có ước mơ, hoài bão, năng lực thực sự, nhất là phương pháp tư duy… mới là vấn đề trọng tâm.