Mặc dù người nông dân đang phải bỏ ra nhiều công sức, song lợi nhuận thu được lại chưa tương xứng do từ sản xuất tới tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều khâu trung gian. Do đó, nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) của ngành nông nghiệp Thủ đô là tìm giải pháp rút ngắn đường đi của nông sản, tăng lợi nhuận cho nông dân.
Trước đây, hoạt động XTTM nông nghiệp của TP được triển khai một cách thiếu đồng bộ, manh mún và phân tán. Để khắc phục hạn chế này, ngày 1/10/2013 UBND TP đã có Quyết định số 5969/QĐ-UBND thành lập Trung tâm XTTM Nông nghiệp Hà Nội (Trung tâm) là đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT làm đầu mối cho hoạt động này. Từ đầu năm tới nay, Trung tâm đã tiến hành thu thập thông tin về sản xuất, kinh doanh của hơn 600 cơ sở sản xuất, tiêu thụ nông sản, đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp, làng nghề của Thủ đô và các tỉnh. Bên cạnh đó, rà soát, tổng hợp danh sách, địa chỉ các cửa hàng, siêu thị và chợ đang kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn TP để phục vụ việc xây dựng, phát triển các chuỗi giá trị và điểm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp.
Về hợp tác với các tỉnh, ông Nguyễn Văn Chí - Giám đốc Trung tâm cho biết, từ cuối tháng 5 đến nay, Trung tâm đã tổ chức các hoạt động liên kết, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với 5 tỉnh gồm Tuyên Quang, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương và Sơn La. Trong đó có việc tổ chức tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu của các địa phương về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và ký kết biên bản hợp tác về lĩnh vực thú y, quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản, bảo vệ thực vật. Đồng thời, kết nối chuỗi tiêu thụ sản phẩm từ các địa phương về Hà Nội và ngược lại, chủ yếu là rau an toàn, thịt, trứng, thủy sản nước ngọt...
Tuy nhiên, quá trình triển khai hoạt động XTTM cho nông sản trên địa bàn TP vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, một số cơ chế, chính sách của T.Ư chưa phù hợp với thực tiễn nhưng chậm được sửa đổi. Hơn nữa, các hoạt động XTTM trong nông nghiệp vẫn chưa tập trung về một đầu mối, còn nhiều đơn vị trong ngành nông nghiệp cùng thực hiện dẫn tới sự chồng chéo. Theo ông Phan Minh Nguyệt - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, để hoạt động XTTM đạt hiệu quả, ngoài hoàn thiện bộ máy tổ chức, Trung tâm cần khảo sát, xác định rõ chu kỳ sản xuất nông sản của Hà Nội theo mùa và các tỉnh để người dân nắm được nguồn gốc sản phẩm, tránh mua phải hàng kém chất lượng. Đồng thời, xây dựng các điểm bán hàng nông sản tại các quận, huyện, thị xã, trong đó có sự tham gia của doanh nghiệp để giảm bớt khâu trung gian, đưa nông sản chất lượng đến tận tay người tiêu dùng.
Với diện tích đất nông nghiệp trên 188.000ha, mỗi năm tổng sản lượng lương thực đạt trên 1,3 triệu tấn, khối lượng thịt hơi xuất chuồng trên 400.000 tấn, trứng đạt hơn 1 tỷ quả, thủy sản trên 76.000 tấn, việc tiêu thụ sản phẩm vào mùa vụ cũng là một bài toán không đơn giản với TP. Chính vì vậy, công tác XTTM nông sản cần tập trung vào việc xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, giảm bớt các khâu trung gian, trong đó tổ chức các sàn giao dịch điện tử về nông sản và vật tư nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho người dân. Đồng thời, cần làm tốt công tác dự báo thị trường và xây dựng "bản đồ" đường đi của từng nông sản để đảm bảo quản lý được chất lượng sản phẩm…
Kinhtedothi - Quầy giới thiệu và bán sản phẩm rau an toàn của HTX Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai. Ảnh: Quang Thiện |