Trước đây, các trường cao đẳng nghề (CĐN) luôn phải thực hiện chương trình cứng quốc gia là 3.700 giờ cho tất cả các nghề trình độ CĐ đã gây áp lực rất lớn cho người dạy và người học. Nhưng kể từ khi Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có hiệu lực, nhiều cơ sở dạy nghề đã cắt giảm những nội dung không cần thiết còn 3.000 giờ. Phó Hiệu trưởng trường CĐN Công nghiệp Hà Nội Bùi Chính Minh nhận định: “Luật GDNN ra đời, quy định trần tối thiểu 60 tín chỉ cho một chương trình đào tạo nghề đã gỡ nút thắt và đáp ứng được mong mỏi của các trường CĐ. Hiện nay, nhiều trường đang xây dựng chuẩn đầu ra và định mức kỹ thuật cho từng nghề đều thống nhất lấy 2.700 - 2.800 giờ cho chương trình CĐ”.
Đối với các trường CĐ chuyên nghiệp đã từng thuộc sự quản lý của Bộ GD&ĐT, trước đây, chương trình đào tạo CĐ có thời gian 3 năm với 105 tín chỉ, trong đó 1/3 số môn học đại cương. Tuy nhiên, từ năm 2017 chuyển sang đơn vị quản lý Bộ LĐTB&XH, đặc biệt thực hiện Luật GDNN, nhiều trường đã xây dựng lại chương trình đào tạo rút xuống còn 2,5 năm nhưng vẫn đảm bảo số lượng kiến thức cơ bản cũng như tăng được thời lượng thực hành. Hiện nay, các trường thực hiện đào tạo theo tín chỉ, những sinh viên có năng lực thực hành tốt hoàn toàn có thể đăng ký học nhanh để 2 năm sẽ được ra trường. Đề cập đến chất lượng đào tạo khi thời gian được rút ngắn, ông Minh cho biết: "Tinh giản chương trình để rút ngắn thời gian đào tạo nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo được chuẩn đầu ra. Nhà trường mới rút ngắn thời gian đào tạo được hai khóa, chưa có sinh viên tốt nghiệp nhưng kết quả ban đầu cho thấy áp lực giảng dạy và học tập giảm đi tương đối. Việc học cũng đi vào trọng tâm, thời gian thực hành ở xưởng được bố trí nhiều, phù hợp nên chất lượng đào tạo tốt lên. Thứ nữa, khi rút ngắn thời gian đào tạo, tình trạng dạy vượt giờ của giảng viên một số nghề "hot" như Công nghệ Ô tô, Điện - Điện tử đã được giảm xuống. Qua đó, tạo điều kiện cho họ đầu tư thời gian vào việc đầu tư cho từng bài giảng". Trong khi đó, Trưởng phòng Đào tạo trường CĐ Điện tử - Điện lạnh Hà Nội Nguyễn Hằng Nga chia sẻ, người học rất phấn khởi khi thời gian đào tạo nghề từ 3 năm chỉ còn 2,5 năm. “Trước đây, nhiều học sinh tốt nghiệp THPT đăng ký học trung cấp nghề 2 năm vì muốn sớm ra trường làm việc. Nhưng, năm học này, số lượng học CĐ tăng bởi thời gian học bậc này chỉ nhiều hơn trung cấp nửa năm. Đáng lưu ý, trong nửa năm đó, các em lại được đi thực tập tại DN để nâng cao tay nghề. Như vậy, việc rút ngắn thời gian đào tạo mang lại lợi ích cho người học mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của DN sử dụng lao động” - bà Nga khẳng định.