Phụ nữ Nhật Bản mặc trang phục truyền thống Kimono đón năm mới. |
Phong tục khác biệt
Có bao nhiêu dân tộc là có bấy nhiêu phong tục năm mới, từ ngắm pháo hoa đến thưởng thức các món ăn đặc biệt. Nếu người Việt Nam kiêng kị đổ vỡ trong năm mới thì người Đan Mạch lại thích có nhiều đĩa bị ném vỡ trước cửa nhà trong ngày đầu năm mới. Vào giao thừa, người dân Đan Mạch sẽ ném bỏ những chiếc đĩa cũ kỹ, sứt mẻ trong tủ chén vào cửa nhà hàng xóm, bạn bè. Họ tin rằng, đây là cách giúp xua đuổi vận đen. Vào sáng mùng một, ngoài cửa có càng nhiều đĩa vỡ thì gia chủ càng có nhiều vận may trong năm mới. Trong khi đó, cứ mỗi lần năm mới đến, người Tây Ban Nha lại ăn 12 quả nho trong thời khắc đồng hồ điểm sang năm mới. Mỗi giây họ sẽ ăn một quả nho để cầu mong 12 tháng trong năm ngập tràn hạnh phúc.
Tất nhiên, không phải quốc gia, dân tộc nào cũng đón mừng năm mới bằng pháo hoa hay đến chơi nhà người thân, bạn bè, Tại Chile, ngày đầu năm mới sẽ là dịp toàn bộ gia đình người sống tập trung ở nghĩa trang để đón năm mới cùng ông bà, tổ tiên. Thực chất, truyền thống này không phải để cầu may, mà là dịp để gia đình tụ tập và cùng nhớ về những người đã khuất. Còn tại đất nước Italia lãng mạn, người dân nơi đây lại ném nhiều thứ đồ đạc khác ra đường vào năm mới. Họ có tập tục ném những đồ đạc cũ qua cửa sổ để biểu thị rằng họ đã sẵn sàng chào đón năm mới và những thay đổi mới. Với xứ hoa Anh đào, người Nhật Bản trang hoàng cửa chính của ngôi nhà bằng những nhành lá thông hoặc tre và các sợi dây. Họ tin rằng những thứ này mang lại cho họ sức khỏe, cuộc sống cao niên và xua đuổi những linh hồn quỷ dữ. Vào ngày 31 tháng 12, các quả chuông sẽ rung 108 lần để xua đi 108 điều không may. Khi bước sang năm mới, người Nhật thường nở nụ cười nhằm cầu mong cho thật nhiều may mắn sẽ đến với mình.
Những món quà đặc biệt
Gửi đến nhau những món quà Tết đậm tình yêu thương và lời chúc Tết thật ý nghĩa trong mỗi dịp năm mới là một nét đẹp văn hóa đã có từ lâu ở các quốc gia trên thế giới. Dù phong tục tặng quà Tết ở mỗi quốc gia khác nhau nhưng tất cả đều thể hiện mong muốn của người tặng là người nhận sẽ có một năm mới an lành, sung túc, công việc thuận lợi và thành công. Vào dịp năm mới tại Áo, người dân thường tặng cho nhau các bức tượng nhỏ hoặc gửi bưu thiếp với các biểu tượng hạnh phúc truyền thống như hình người dọn ống khói, cỏ 4 lá và lợn. Người dân Bồ Đào Nha thì thường tặng nhau những món quà tự làm trong dịp năm mới, như khăn trải bàn, khăn ăn, thảm trang trí thêu tay, bát bằng gỗ và khung ảnh. Họ tin rằng, người nhận sẽ trân trọng những món quà đã được họ bỏ nhiều công sức để làm ra.
Đến đất nước Hy Lạp, khách du lịch sẽ thấy người dân nơi đây tặng cho nhau những món quà năm mới vô cùng độc đáo. Đó là những hòn đá được tìm thấy trên đường. Hòn đá lớn thì người nhận quà sẽ có một năm giàu có và thịnh vượng. Các quốc gia phương Đông cũng có truyền thống đón Tết không kém phần thú vị. Như ở Nhật Bản, người dân sẽ gửi cho bạn bè và người thân những tấm thiếp chúc mừng năm mới (Nengajo), được in hình con giáp hoặc biểu tượng của năm mới, kèm theo lời chúc mừng năm mới cùng lời cảm ơn vì sự giúp đỡ trong năm qua. Đồng thời, tặng nhau búp bê Daruma. Tượng trưng cho may mắn, thịnh vượng và ước mơ, Daruma là một trong số búp bê nổi tiếng nhất của Nhật. Daruma thường không có mắt. Người Nhật khi mua nó về sẽ vẽ một con mắt vào Daruma khi họ ước điều gì đó con mắt còn lại chỉ được vẽ vào khi điều ước của họ đã trở thành sự thật.