Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sắc màu mới của du lịch Thủ đô

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Năm 2023 hoạt động du lịch Thủ đô đã có những bước tiến vượt bậc, khách trong nước và quốc tế đến Hà Nội tăng trưởng rõ rệt.

Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ảnh Phạm Hùng
Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ảnh Phạm Hùng

Có được điều đó, bên cạnh các giải pháp về cơ chế, chính sách, các DN lữ hành cũng đã chủ động xây dựng các sản phẩm du lịch mới tạo ra nhiều sự lựa chọn cho du khách, góp phần quảng bá nét đặc trưng về văn hóa, ẩm thực, danh lam thắng cảnh Thủ đô.

Dấu ấn những sản phẩm mới

Nhằm thu hút du khách chọn Hà Nội làm điểm đến, các DN du lịch phối hợp với điểm tham quan văn hóa, lịch sử xây dựng chương trình City tour. Cụ thể, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò phối hợp với Công ty du lịch Hanoitourist tổ chức tour “Sống như những đóa hoa”, “Lửa thanh xuân” tham quan Nhà tù Hỏa Lò đã thu hút một lượng lớn du khách mua tour. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long ra mắt tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, nhận sự hưởng ứng đông đảo của du khách. Đa số người tham gia đều vô cùng thích thú với những trải nghiệm “ngược thời gian trở về quá khứ” trong không gian xưa.

 

Hà Nội sẽ đẩy mạnh du lịch văn hóa, sinh thái gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc. Đây là những dòng sản phẩm mới hứa hẹn hấp dẫn khách quốc tế trong thời gian tới.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang

Đặc biệt, năm 2023, ngành du lịch Hà Nội liên tiếp “trình làng” nhiều tour đêm mới đặc sắc. Đơn cử, mới đây, tour đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám mang tên “Tinh hoa đạo học” đã chính thức ra mắt mang đến cho du khách và người dân Thủ đô những trải nghiệm mới. Cả không gian di tích được thay đổi bởi hệ thống ánh sáng và công nghệ 3D Mapping tạo nên một diện mạo lung linh, huyền ảo, mang lại nhiều cảm xúc cho khách.

TP Hà Nội cũng công bố 15 sản phẩm du lịch đêm, đồng thời tổ chức gắn kết các điểm du lịch để tạo đà cho du lịch Thủ đô phát triển trong năm 2024. Ở khu vực ngoại thành, nhiều điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách đã hình thành, như thung lũng hoa ở xã Hồng Vân (Thường Tín); trải nghiệm hoa dã quỳ tại Vườn quốc gia Ba Vì; Lễ hội du lịch sinh thái Ba Vì…

Thực tế, rất nhiều sản phẩm du lịch của Hà Nội đang tạo được dấu ấn riêng. Chị Nguyễn Lan Hương (quận Cầu Giấy) chia sẻ, mặc dù sinh sống ở Hà Nội, nhưng gia đình chị đã phải đặt trước 2 tháng mới tới lượt tham quan tour Nhà tù Hỏa Lò. Sau khi đã trải nghiệm sản phẩm du lịch này, chị thấy không uổng phí khi hàm lượng kiến thức lịch sử được giới thiệu đến du khách một cách khéo léo, hấp dẫn.

Một số điểm đến ở khu vực ngoại thành như Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), chùa Thầy (huyện Quốc Oai) với điểm nhấn là vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” đang có lượng khách tăng trưởng khá. Trưởng ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết, lượng khách đến với Đường Lâm và nhiều cơ sở lưu trú trên địa bàn có thời điểm kín chỗ, nhất là vào cuối tuần.

Việc TP Hà Nội đã triển khai nhiều tour mới đã tạo đà kích cầu thị trường du lịch. Minh chứng rõ nhất có thể thấy, trong năm 2023, ngành du lịch Thủ đô đã đón 24 triệu lượt du khách, tăng 27% so với năm 2022. Trong đó, có 4 triệu lượt khách quốc tế (có 2,82 triệu khách có lưu trú), tăng 266,7% so với năm 2022.

Ghi nhận những thành công trong việc phục hồi đón du khách, năm 2023, ngành du lịch Thủ đô Hà Nội liên liên tiếp được các tổ chức quốc tế bình chọn, vinh danh và trao nhiều giải thưởng quốc tế. Cụ thể, Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới trao các giải thưởng Điểm đến du lịch TP hàng đầu châu Á hay Hà Nội đã vượt qua các TP Sydney (Australia), Tokyo (Nhật Bản), Singapore, Hồng Kông, Lisbon (Bồ Đào Nha)… để nhận danh hiệu “Điểm đến TP hàng đầu thế giới cho kỳ nghỉ ngắn ngày năm 2023”.

Vẫn còn nhiều tiềm năng

Từ những thành công bước đầu, năm 2024 ngành du lịch Thủ đô đặt mục tiêu phấn đấu số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng 26,5 triệu lượt khách, tăng 10,4% so với năm 2023. Trong đó, có 5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 25% và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với năm 2023.

Du khách quốc tế tham quan đền Ngọc Sơn, Hà Nội. Ảnh Phạm Hùng
Du khách quốc tế tham quan đền Ngọc Sơn, Hà Nội. Ảnh Phạm Hùng

Theo các chuyên gia du lịch, muốn đạt được mục tiêu này, đòi hỏi TP Hà Nội đẩy mạnh khai thác tiếm năng vốn có để xây dựng tour mới mang nét độc đáo riêng biệt. Là người hoạt động trong lĩnh vực du lịch hơn 20 năm, Chủ tịch Lux Group Phạm Hà nhận định, việc khai thác du lịch của Hà Nội hiện nay còn rời rạc, chỉ vài điểm truyền thống tại một số quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa nên chưa ra được tổng thể các tour du lịch mang tính bài bản tại các điểm du lịch Hà Nội.

“Tỷ lệ lớn khách quốc tế chỉ coi Hà Nội là điểm trung chuyển để đến khám phá văn hóa vùng cao Sapa, nghỉ dưỡng biển Hạ Long hay tham quan danh thắng Ninh Bình. Hơn thế, các sản phẩm du lịch ra đời chưa phản ánh hết sự phong phú và đa dạng về văn hóa của Hà Nội” - ông Phạm Hà nêu rõ.

Từng trực tiếp xây dựng nhiều sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử tại Hà Nội, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, để phát triển du lịch bền vững, mang lại giá trị thương hiệu của du lịch Thủ đô, đòi hỏi ngành du lịch phải ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn, có khả năng thu hút khách du lịch. “Du lịch Hà Nội nên xây dựng nhiều phiên bản tour đêm khác nhau để đáp ứng những đối tượng khách khác nhau. Cần có những phiên bản riêng cho người nước ngoài với trải nghiệm phù hợp và nội dung thuyết minh tiếng nước ngoài hấp dẫn” - ông Thắng hiến kế.

Dưới góc độ cơ quan quản lý, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh nêu rõ, thời gian qua, TP Hà Nội đã triển khai 172 chuỗi các hoạt động văn hóa, du lịch và được đông đảo du khách đón nhận. Tuy nhiên, để thu hút du khách ngành du lịch Thủ đô cần tăng cường đầu tư phát triển sản phẩm du lịch có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thị hiếu của khách du lịch. “Hà Nội cần xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh phục vụ cho công tác quản lý điểm đến và marketing du lịch. Đồng thời chuyển đổi số trong các hoạt động kinh doanh du lịch góp phần tăng cường hiệu quả kinh doanh, hội nhập quốc tế trong du lịch” - ông Khánh cho hay.

Để tạo đà phát triển trong năm 2024, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, ngành du lịch Thủ đô sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, điểm đến du lịch gắn với di sản, di tích, làng nghề theo tuyến: trung tâm Hà Nội - Thanh Trì - Thường Tín - Phú Xuyên và tuyến trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức. Đồng thời, thí điểm xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại các làng nghề, phát huy giá trị truyền thống của các dân tộc thiểu số như Mường, Dao... Ngoài ra, Hà Nội chủ trương phát triển các sản phẩm thế mạnh như du lịch ẩm thực, du lịch MICE, chăm sóc sức khỏe.