Kinhtedothi - Dù tổ chức hay cá nhân nào viết sách giáo khoa (SGK) thì trách nhiệm cuối cùng vẫn thuộc về Bộ GD&ĐT. Do vậy, để tránh rủi ro, Bộ phải đứng ra tổ chức biên soạn một bản thảo SGK, dù bản thảo ấy có thể không được hội đồng thẩm định thông qua. GS.TS Đinh Quang Báo - chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu sư phạm thuộc ĐH Sư phạm Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới SGK đã bày tỏ quan điểm như vậy khi trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về những vấn đề xoay quanh việc biên soạn chương trình (CT), SGK mới.
Cần một chương trình tường minh
Theo GS, SGK có phải là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục?
- Cách đặt vấn đề như thế là không đúng về tư duy. Trước hết, phải có một CT chi tiết, SGK là một yếu tố quan trọng, thể hiện nhiều yêu cầu quan trọng của CT, chứ SGK không là CT. Từ trước đến nay, người ta chập CT và SGK làm một. Hiện, nhiều giáo viên (GV) không biết CT là gì, chỉ cầm quyển SGK lên lớp dạy. Điều này ngược với lý thuyết, đáng lẽ họ phải nghiên cứu kỹ CT trước khi dạy học trò. Đây là khiếm khuyết, bất cập quản lý Nhà nước về giáo dục. Dẫn đến thực trạng này là bởi phương pháp đọc - chép, nên họ cho rằng có SGK là đủ. Tới đây, cơ chế một CT nhiều bộ SGK chỉ thực hiện được khi CT đủ tường minh. Để làm được CT như vậy phải đầu tư rất lớn về nguồn lực, con người và tài chính.
CT tường minh được hiểu như thế nào, thưa GS?
- Đó là phải đơn trị về cách hiểu. Ví dụ khi dạy làm cái cốc, thì tất cả mọi người đều hiểu và dạy học trò cái cốc ấy được làm thế này chứ không phải thế khác. Một trong những nguyên nhân khiến SGK quá tải là dạy nhiều hơn so với yêu cầu của khái niệm. Tôi muốn nhấn mạnh, CT phải đơn trị để người quản lý, GV cùng hướng đến và đánh giá.
Vậy, thưa GS, một CT giáo dục gồm những yếu tố gì?
- Một là mục tiêu giáo dục để thiết kế chuẩn đầu ra (chuẩn về năng lực, chuẩn về nội dung kiến thức). Từ chuẩn này, học trò tự đo mình học đến đâu, GV đo mình dạy đạt đến mức độ nào, còn khiếm khuyết gì. Và khi kiểm tra bài học trò, GV sẽ đối chiếu vào chuẩn để nhận xét. Ví dụ, 2 học sinh (HS) cùng đạt 6 điểm, nhưng em thứ nhất kém tiêu chí 1, trong khi em thứ hai ngược lại và kém ở tiêu chí khác. Cũng như chuẩn CT, chuẩn đầu ra phải được mô tả một cách tường minh. Để đạt mục tiêu và chuẩn đầu ra, phải khống chế kiến thức tối thiểu của từng môn học. Tiếp đó, chỉ ra quy định tường minh phương pháp dạy học, hình thức tổ chức và phương tiện dạy học, thang đánh giá, tiêu chí đánh giá học trò, minh chứng thể hiện HS nắm được bài hay không.
Bộ không thể “há miệng chờ sung”!
Khi chưa biên soạn kịp SGK theo kế hoạch đề ra, liệu GV có thể dựa vào CT để dạy, thưa ông?
- Về nguyên tắc, GV có thể dạy được mà không cần SGK, miễn sao đo đúng được các quy định của CT. Ví dụ, với yêu cầu vận động viên phải nhảy cao qua 2,2m, người huấn luyện cho vận động viên ăn rau hay thịt, trứng gà… cũng được, chỉ cần nhảy qua độ cao đã quy định.
Ông hoàn toàn đồng ý với đề xuất một CT, nhiều bộ SGK?
- Nhiều bộ cũng được, thậm chí không có bộ nào cũng chẳng sao. Có những nước không yêu cầu dùng SGK, GV có thể sử dụng giáo trình đại học để dạy HS phổ thông, miễn là đáp ứng đúng yêu cầu của CT chuẩn đề ra. GV cũng có thể lấy tài liệu trên mạng để dạy. Đó là về nguyên lý, nhưng dù sao vẫn phải có SGK để hỗ trợ, thuận tiện và đỡ lao động cho GV. SGK được đội quân những nhà khoa học sư phạm chọn lọc, còn tự đi tìm tài liệu thì GV có trình độ cao mới làm được. Cho nên SGK là công cụ hỗ trợ cho người dạy, người học, phụ huynh.
Theo GS, Bộ GD&ĐT có nên đứng ra làm một bộ SGK?
- Về nguyên tắc, Bộ GD&ĐT phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về SGK. Để có SGK tốt nhất, thứ nhất, Bộ phải có bộ tiêu chí để khống chế mọi người viết theo. Tất nhiên là Bộ không triệt tiêu sự sáng tạo của người viết, nhưng tối thiểu phải tuân thủ những yêu cầu của SGK. Tóm lại, SGK là của Bộ GD&ĐT, dù ai viết thì cuối cùng trách nhiệm vẫn là Bộ GD&ĐT. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phải chịu trách nhiệm ký vào mới được sử dụng trong nhà trường. Tôi khẳng định, Bộ chẳng viết được SGK, Bộ chỉ là người có con mắt rộng hơn, quy tụ được nhiều nguồn tác giả, nhiều nhà khoa học để biên soạn. Như vậy Bộ tổ chức biên soạn ra một bản thảo, bản thảo ấy là của nhiều người viết được giới thiệu dân chủ.
Nhưng nếu Bộ không tổ chức mà "há miệng chờ sung", ra cơ chế rồi ngồi chờ các tổ chức và cá nhân biên soạn, liệu đến tháng 6/2018 có đủ sách bán cho phụ huynh? Không ai dám nói trước với Bộ trưởng Bộ GD&ĐT hãy yên trí, đến thời điểm ấy sẽ có sách. Sẽ là một sự nguy hiểm nếu Bộ không có sự chuẩn bị. Như thế, Bộ đứng ra tổ chức là để tránh rủi ro. Thứ hai là ra bản thảo rồi cho các nhà xuất bản đấu thầu, đơn vị nào trúng thầu in thì trả lại số tiền của Nhà nước mà Bộ đã đứng ra tổ chức làm. Tất nhiên, khi đến thời điểm gần xuất bản, sẽ có hội đồng thẩm định công minh lựa chọn bản thảo tốt. Thậm chí có thể cho tất cả các bản thảo được in, miễn là không bị sai phạm lớn dưới chuẩn quy định.
Kế thừa - không trở thành nguyên tắc
Các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK có được hưởng các chính sách khuyến khích của Nhà nước không, thưa GS?
- Việc này cũng phải tính, có thể ngân hàng thương mại Nhà nước cho vay tiền với lãi suất thấp. Hiện có nhiều nơi xung phong viết SGK, nhưng họ chỉ chọn viết những cuốn "ngon", do đó, dứt khoát Bộ phải làm một bộ SGK. Mọi người cứ suy luận Bộ độc quyền là không đúng. Người quản lý Nhà nước luôn muốn có SGK tốt nhất. Tất nhiên, về mặt tâm lý, mọi người nghĩ Bộ làm thì tốt hơn, họ tin sách của Bộ hơn. Ban đầu thì tính thế nhưng thực tiễn sử dụng, các GV sẽ biết được dùng cuốn nào tốt cho mình.
Theo quan điểm của GS, SGK mới sẽ phải có tính kế thừa?
- Kế thừa là đương nhiên, nhưng liệu chúng ta có kế thừa được không? Phải kế thừa của "tây" hay "ta"? Kế thừa hay không không trở thành nguyên tắc. Chúng ta cứ làm đúng yêu cầu, nội dung trong SGK đang sử dụng gần với CT thì kế thừa. Theo tôi, nội dung kiến thức của chúng ta không đến nỗi, vấn đề là lựa chọn, bố cục thế nào. Có ý kiến đề nghị chọn SGK tự nhiên của nước tiên tiến rồi dịch và biên soạn phù hợp với Việt Nam, cách làm này vừa nhanh mà lại tiết kiệm thời gian, công sức và trí tuệ. GS đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Chúng tôi đã nghĩ đến việc dịch sách của nước ngoài, nhưng không phải dịch một cách nguyên vẹn mà "chế biến" phù hợp với văn hóa, văn hóa dạy học, văn hóa thể hiện của ta. Kiến thức có thể giống nhau nhưng bài học vận dụng phải khớp với kiến thức ấy.
Vậy nội dung CT, bên cạnh yêu cầu kiến thức chuẩn sẽ có nâng cao, thưa GS?
- Để điều chỉnh kiến thức nâng cao về chuẩn, người ta có hệ thống tự chọn phù hợp với cá nhân học trò. Học trò tự chọn môn học nào thì được học sâu hơn, như vậy nâng cao là cao hơn so với người khác chứ không phải hơn chính nó. Cao hay thấp là do cá thể lựa chọn. Nâng cao thứ hai là khi viết SGK phải thể hiện sự phân hóa. Sẽ có những câu hỏi khuyến khích trí thông minh của học trò. GV cũng có thể sáng tạo ra các bài tập hay hơn để khuyến khích các em giỏi. Tóm lại, nâng cao để đáp ứng nhu cầu của từng học trò, chứ không phải yêu cầu của CT là cao hay thấp.
Giờ học ngữ văn của học sinh trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy. Ảnh: Phạm Hùng
Xin cảm ơn GS!
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam: Đổi mới phải có kế thừa Trước khi thay đổi SGK cần rà soát lại toàn bộ CT, SGK xem cụ thể phần nào có thể kế thừa, nội dung nào cần thay đổi. Vì thời gian qua, chúng ta đã đầu tư nhiều công sức, kinh phí và đạt được những tiến bộ. Chúng ta không nên cứ đổi mới liên tục mà không chú ý kế thừa, việc này có mất công nhưng nếu làm thì việc đổi mới sẽ hiệu quả hơn. Công việc này cũng như các vấn đề liên quan đến giáo dục nói chung, khi sửa cần bình tĩnh, khẩn trương nhưng không thể vội vàng. Kết quả có tốt hay không, quan trọng nhất là cách tổ chức, quản lý của Bộ GD&ĐT, giao việc đúng người, tập hợp được trí tuệ của nhiều người. Riêng cơ quan Bộ sợ khó kham nổi, lấy mục tiêu là hiệu quả cao, không cần quá nhiều kinh phí. Đại biểu Quốc hội Bùi Thị An(đoàn Hà Nội): Dứt khoát phải có chương trình chuẩn Để đổi mới SGK, đầu tiên phải xây dựng CT chuẩn. CT ấy được thiết kế và xây dựng trên cơ sở thực tiễn Việt Nam đã có và tham khảo những CT chuẩn về khoa học tự nhiên của các nước đã phát triển để hội nhập, du nhập. Nhà nước nên giao cho Bộ GD&ĐT xây dựng CT chuẩn, vì đây là đơn vị đề ra các chiến lược. Sau khi có CT chuẩn thì xã hội hóa việc biên soạn SGK để có sự cạnh tranh lành mạnh và chọn được những bộ SGK chuẩn có chất lượng. Nên chọn từ 3 - 5 bộ SGK. Trong quá trình xây dựng SGK phải có phản biện xã hội của những tổ chức chính trị - xã hội như Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật, Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức, các thầy cô giáo, phụ huynh và HS - đối tượng thụ hưởng. Tôi nhấn mạnh, SGK phải có tuổi thọ từ 5 - 7 - 10 năm, để em lớp sau học được SGK của em lớp trước, nếu không thì sẽ rất lãng phí. |