“Giảm tải” chiếc cặp học sinh
Nhờ tính ưu việt trong nội dung, classbook hiện được sử dụng rộng tại ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… Đặc biệt, thiết bị này được thiết kế tựa như máy tính bảng, sử dụng liên tục trong 8 - 10 giờ (đủ nhu cầu của học sinh tại trường), màn hình cảm ứng đa điểm tạo cảm giác như đọc SGK truyền thống. Giữa lúc phụ huynh đang bối rối trước chiếc cặp "quá tải" mà trẻ phải "cõng" sau lưng khi đến trường thì rõ ràng classbook là một giải pháp hay để "giảm tải" cho những chiếc cặp sách.
GS Ngô Bảo Châu, Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cũng bày tỏ sự đồng tình với classbook: "Sản phẩm classbook rất tốt. Một thiết bị nặng chưa đầy 500 gam, nhưng truy cập toàn bộ chương trình SGK từ lớp 1 đến lớp 12. Trên thế giới có SGK điện tử, nhưng không có nơi nào ứng dụng một cách tổng thể, không có sản phẩm chung cho toàn bộ SGK như thế này. Tôi hy vọng classbook sẽ giải quyết được vấn đề trẻ con đang phải mang những bộ SGK ngày càng dầy". Tuy nhiên, GS Ngô Bảo Châu cũng chưa khẳng định được hiệu quả sử dụng của classbook, bởi phải chờ phản ứng của các thầy cô giáo xem sản phẩm có đáp ứng được yêu cầu giáo dục hay không, dù đây là phương tiện tốt để cha mẹ theo dõi chương trình học của con.
Sách cho ai?
"Trong việc sử dụng SGK điện tử, NXB vẫn phải bám sát SGK in của Bộ GD&ĐT để phát triển. Các nhà khoa học phải kiểm tra nội dung SGK điện tử, các tác giả viết sách in phải được hỏi ý kiến xem NXB thể hiện đúng yêu cầu chưa. Và, phải có hội đồng thẩm định về nội dung kiến thức trước khi đưa lên số hóa" . PGS Văn Như Cương |
Phải khẳng định, SGK điện tử không thể thay thế được vai trò của người thầy. Nó giống như thư viện điện tử để việc giảng dạy linh hoạt và giúp HS năng động hơn trong học tập. Hiện classbook được thí điểm tại một số trường tiểu học ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh và được HS rất thích thú. Tuy nhiên, với giá 4,8 triệu đồng/classbook, không phải gia đình nào cũng có khả năng cho con sử dụng loại SGK này. Trong khi đó, SGK truyền thống giá vừa phải, lại "rải đều" chi phí trong 12 năm học. Anh Nguyễn Hải Ngọc, có con đang học tại trường THCS Đống Đa nhận xét: "Dùng classbook sẽ rất tốt cho việc học và hàng ngày con tôi sẽ không phải đeo chiếc cặp nặng đầy sách vở đi bộ đoạn đường dài gần 2km từ nhà đến trường và ngược lại. Tuy nhiên, tôi sẽ chưa mua vì phải để dành tiền và chờ đợi đánh giá hiệu quả sử dụng của thiết bị này".
Đánh giá một cách khách quan, GS Ngô Bảo Châu cho rằng giá thành 4,8 triệu đồng, chỉ các gia đình có điều kiện mới có thể mua được. Còn các em ở vùng sâu, vùng xa có cuộc sống còn khó khăn thì khó tiếp cận thiết bị này. Do vậy cần phải có những chính sách hỗ trợ. Đồng tình với quan điểm này, PGS Văn Như Cương đề xuất: "Tôi ủng hộ việc sử dụng SGK điện tử. Song, để HS vùng sâu, vùng xa và HS có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận được classbook, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ giảm giá và NXB chia nhỏ chương trình SGK điện tử theo từng cấp học thì số tiền sẽ giảm đi nhiều".
Không phủ nhận tính ưu việt của SGK điện tử và mục tiêu mà bộ sách hướng tới, song cũng phải thừa nhận sự khó phổ thông của loại sách này trong điều kiện chung hiện tại. Có lẽ, ở thời điểm này, nên chăng như gợi ý của TS Nguyễn Mạnh Hưởng, giáo viên trường THPT Nguyễn Tất Thành: Việc sản xuất SGK điện tử là đi tắt đón đầu khi sau năm 2015 chúng ta đổi mới SGK. Bởi vậy, bước đầu, chỉ nên khuyến khích những nơi có điều kiện sử dụng, còn những vùng khó khăn, cơ sở vật chất chưa đáp ứng thì sử dụng SGK truyền thống.