Sức nặng từ cái bóng của quá khứ
Có lẽ sau nhiều lần “lỡ hẹn” trong chuyện tổ chức ĐHCĐ cùng với nhiều lời đồn thổi nhân sự cho chiếc “ghế nóng” của Sacombank, việc một gương mặt hoàn toàn mới có được một số phiếu tín nhiệm cao lên tới 198% của ĐHCĐ đã thực sự thấy được sự thống nhất cao trong việc chọn lựa người cầm lái cho một ngân hàng cổ phần lớn suốt trong thời kỳ vừa qua đã đứng trước nhiều sóng gió.
Tuy nhiên hãy nhìn vào quá khứ với những gương mặt và những diễn biến xung quanh ĐHCĐ của Sacombank thì sức nặng từ chiếc ghế “nóng” mà các cổ đông đã giao cho ông Dương Công Minh là không hề nhỏ.
Trước tiên phải nhắc đến ông Đặng Văn Thành với 20 năm gắn bó, xây dựng Sacombank đứng trong những tốp đầu của khối NHTMCP. Ông Đặng Văn Thành xây dựng với một nền tảng vững chắc, trong đó thành công nhất là đội ngũ nhân sự. Ông Thành đã có một chính sách nhân sự rất đặc biệt, đó là nhân sự từ quản lý cấp trung đến cấp cao đều được tạo nguồn từ chính nhân viên Sacombank. Và những ai đã mang danh Sacombank, từ cấp cao đến cấp thấp nhất, đều một lòng vì sự đi lên của ngân hàng. Đây là một trong giá trị lớn nhất mà ông đã xây dựng nên một “Đế chế” Sacombank.
Điều này thấy rõ nhất ở những giai đoạn gần đây khi Sacombank rơi vào khủng hoảng, hoạt động của các phòng giao dịch, chi nhánh, các phòng ban vẫn hết sức ổn.
Với những giá trị cốt lõi của ông Đặng Văn Thành từ nhân sự đến sự phát triển tiên phong tạo nên một thương hiệu mạnh cho Sacomabank thì “chiếc bóng lớn” của ông Thành vừa là một thuận lợi nhưng đồng thời cũng là một thách thức to lớn cho người kế nhiệm. Thực tế trong giai đoạn vừa qua có rất nhiều biến động ở Sacombank với nhiều Tư lệnh mới nhưng dường như chưa ai có thể qua được “cái bóng” của ông Thành. Minh chứng cho điều đó là trước ĐHCĐ 2017 vừa qua các cổ đông lớn của Sacombank vẫn ký vọng ông Thành quay trở lại đứng mũi chịu sào cho Sacobank qua cơn sóng gió này.
Ở một hình ảnh khác đến từ quá khứ đó là ông Trầm Bê vẫn được các cổ đông nhắc tới trong một đại hội quyết định nhân sự chủ chốt trong ban điều hành của Sacombank.
Ông Trầm Bê được biết đến với công thâu tóm NHTMCP Phương Nam (Southernbank). Giúp cho Sacombank lọt top 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam tại thời điểm đó với tổng tài sản gần 300.000 tỷ đồng. Trái ngược với quy mô tăng mạnh, nhưng đồng thời việc sáp nhập Southern Bank vào Sacombank đã để lại những hậu quả vô cùng nặng nề.
Người kế nhiệm ông Trầm Bê là ông Kiều Hữu Dũng, (đã từng là lãnh đạo cao cấp của NHNN) suốt thời gian vừa qua cũng chỉ giữ được con Sacombank khỏi chìm.
Tại ĐHCĐ lần này trước khi rời ghế “nóng”, ông Dũng chia sẻ, trong hoạt động kinh doanh ai cũng kỳ vọng đạt được kết quả tốt nhất song sai lầm là không tránh khỏi và ai cũng phải trả giá cho những bước đi chệch của mình.
“Anh Trầm Bê có thông qua tôi, muốn gửi lời xin lỗi tới các cổ đông vì những kết quả không như ý trong thời gian qua”. Đây phải chăng đã phản ảnh sự thực những khó khăn chông chất của Sacombank mà người kế nhiệm phải gánh vác trong những thời điểm sắp tới.
Sacombank trở về thời “Hoàng kim” kỳ vọng cho Tư lệnh mới
Trao đổi bên lề ĐHCĐ Sacombank lần này các cổ đông lớn đều đánh giá, Ông Dương Công Minh là người có tiền thực lại vừa có kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản sẽ giúp Sacombank xử lý nhanh số nợ xấu chủ yếu liên quan đến bất động sản, nhanh chóng đưa ngân hàng trở về thời “Hoàng kim” như trước đây, các cổ đông kỳ vọng với lá phiếu bầu cho ông Minh sẽ giúp Sacombank tái cơ cấu thành công và nhanh chóng vượt qua khó khăn.
Ngồi vào ghế nóng trong thời điểm mà những khó khăn ở Sacombank còn ở phía trước khi NH đang phải ôm khối nợ xấu “khủng” với tỷ lệ lên đến hơn 6,8% tổng dư nợ, bên cạnh khoản lãi dự thu đến hơn 23.000 tỷ đồng cùng hàng chục nghìn tỷ đồng nợ bán cho VAMC.
Tuy nhiên ông Minh cũng đang có lợi thế đó là được chính sách hỗ trợ, có những cơ chế riêng về xử lý nợ vừa được Quốc hội thông qua và Chính phủ và ngành Ngân hàng đang tích cực triển khai.
Ở một khía cạnh khác ông Minh đã được sự ủng hộ cao từ NHNN, Ông Nguyễn Phước Thanh, P.Thống đốc NHNN đã khẳng định tại ĐHCĐ Sacombank lần này “ Việc Sacombank mời ông Dương Công Minh tham gia vào quá trình tái cơ cấu, một người giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản là một lựa chọn tốt. NHNN kỳ vọng Sacombank sẽ gỡ được nút thắt nợ xấu đang tồn tại lớn ở bất động sản”
Ngay khi vừa đảm nhiệm chức chủ tịch Sacombank, ông Minh đã đưa ra 4 trọng tâm của ngân hàng thời gian tới, thứ nhất là cấu trúc lại quản trị ngân hàng và hệ thống nhân sự quản trị; thứ hai là thúc đẩy kinh doanh; thứ ba là tập trung xử lý nợ xấu; và thứ 4 là tiết giảm chi phí gia tăng lợi nhuận. Trong năm nay, dù mục tiêu ngân hàng đề ra lợi nhuận chưa đến 600 tỷ đồng nhưng ông Minh tự tin có thể đưa ngân hàng đạt trên 1.000 tỷ.
Mọi bước đi sắp tới của Sacombank đều ở phía trước. Những kỳ vọng lớn lao của các cổ đông Sacombank trao cho vị Tư lệnh mới có trở thành hiện thực hay không chắc chắn sẽ còn nhiều gian nan phía trước, mà trách nhiệm to lớn sẽ đè lên vai người đứng đầu Sacombank sắp tới.