Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sai lầm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hiện một số phụ huynh cho rằng, trừng phạt, mắng trẻ sẽ làm trẻ sợ, không dám tái phạm vi phạm sai lầm. Hơn nữa, với một số người có thói quen giận cá chém thớt, thì đó cũng là một cách để thỏa mãn cơn tức giận, hay coi đó là cách để khẳng định quyền lực của mình với con cái.

Tuy nhiên, thực tế cách dạy con như vậy đã mang lại những hiệu quả không như mong đợi. Theo nhiều chuyên gia, tất cả những hành vi gây đau đớn về thể xác và tinh thần đều được gọi là trừng phạt, như: mắng, chửi, sỉ vả, đay nghiến, đánh, cấm cái mà trẻ thích, đuổi hoặc dọa đuổi ra khỏi nhà.

Dọa nạt được chia làm hai loại là phạt về thể chất và cảm xúc. Về mặt cảm xúc, khi nghe những câu mắng như: "Mày là đồ ăn hại hay đồ ngu"..., trẻ sẽ cảm thấy lo lắng, bẽ mặt, bị hạ thấp lòng tự trọng.

Hoặc khi các bậc phụ huynh nói với con: "Mày là đồ bỏ đi" và cho rằng, trẻ sẽ chưa hiểu gì vì là trẻ con. Nhưng thực tế, trẻ sẽ thấy mình ít có giá trị, thù ghét bản thân và người khác, thậm chí tin mình là kẻ bỏ đi và hành xử như một kẻ bỏ đi.

Cùng với đó, một số người lớn coi trọng chữ "ngoan ngoãn", "dễ bảo" và không chấp nhận khi trẻ dám cãi lại người lớn, sai một tý là bị mắng, bị đánh. Sống trong môi trường như thế, trẻ thường bị động, phụ thuộc và mất dần niềm say mê, sự sáng tạo.

Các chuyên gia khuyên rằng, sự sáng tạo không phải lúc nào cũng do trẻ tuân thủ, đi đúng hướng, đúng quy củ, mà đôi khi từ sai lầm. Vì thế, điều mà phụ huynh nên tâm niệm là: Con mắc lỗi là bình thường, là một phần trong quá trình phát triển của trẻ.

Chúng ta không khuyến khích trẻ mắc lỗi, nhưng hãy kiểm soát hành vi của mình, để tránh lạm dụng trừng phạt. Trước khi áp dụng bất cứ hình thức trừng phạt nào với trẻ, cha mẹ hãy tự đặt mình vào tình huống của trẻ để hiểu con và để hiểu mình hơn, từ đó cân nhắc xem nên làm gì khi trẻ mắc sai lầm.

Không một cách sống nào tự nhiên mà có, trẻ luôn học được cách sống đúng, cách hành xử từ chính cha mẹ trong gia đình và cụ thể đối với bản thân trẻ. Do đó, việc rèn luyện con bằng phương pháp tích cực cũng là cách để giúp trẻ phát triển toàn tiện cả về kỹ năng và cách sống hơn là những câu quát mắng.