Tổng lượng chứng khoán của SAM trước khi thay đổi niêm yết là hơn 180 triệu cổ phiếu. Lượng chứng khoán thay đổi niêm yết là hơn 61,5 triệu cổ phiếu phổ thông, với mệnh giá 10.000 đồng/cp. Giá trị chứng khoán sau khi thay đổi niêm yết là trên 615 tỷ đồng. Tổng lượng cổ phiếu của SAM sau khi thay đổi là trên 241,7 triệu cổ phiếu, tương đương với 2.417 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3-2017, cơ cấu tài sản của SAM đạt khoảng 3.995 tỷ đồng. Tài sản dài hạn chiếm 1.990 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn (tại ngày 30-9-2017) chiếm hơn 2.005 tỷ đồng so với 1.515 cùng kỳ năm trước.
Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của SAM chiếm khoảng 314,6 tỷ đồng so với 210,5 tỷ đồng cùng kỳ. Trong đó, khoản mục chứng khoán kinh doanh đã chiếm hơn 415 tỷ đồng so với khoảng 217 tỷ đồng. Vì thế, SAM buộc phải dành ngân sách cho khoản dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh, với số tiền lên đến trên 100 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước dự phòng rủi ro chỉ chiếm hơn 7 tỷ đồng. Vì thế, kết quả hoạt động trong quý 3 của SAM bị lỗ trên 3 tỷ đồng.
“Áp lực” các khoản phải thu ngắn hạn của SAM cũng có tỷ trọng khá cao, chiếm 864 tỷ đồng so với 485 tỷ đồng của kỳ trước. Trong đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng lên tới 545 tỷ đồng và khoản phải thu ngắn hạn khác lên tới 266 tỷ đồng. Còn hàng tồn kho của SAM cũng lên tới 654 tỷ đồng. Nợ phải trả của SAM là gần 1.483 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả ngắn hạn giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước (chiếm trên 695 tỷ đồng so với 1.163 tỷ đồng). Nhưng nợ dài hạn của SAM lại tăng lên 787 tỷ đồng so với 34 tỷ đồng trước đó.
Kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất của SAM thể hiện, lũy kế 9 tháng đầu năm 2017, công ty này đạt trên 1.521 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 16% so với cùng kỳ. Nhưng SAM dự kiến trong năm 2017 sẽ đạt doanh thu 2.531 tỷ đồng và kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 106 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm trươc. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, SAM chỉ đạt 60% kế hoạch doanh thu và 46% kế hoạch lợi nhuận.
Công ty Cổ phần SAM Holdings được thành lập từ năm 1986. Khi đó, SAM là Nhà máy vật liệu Bưu điện II (tiền thân của công ty Cổ phần Cáp và Vật liệu Viễn thông). Năm 1998, khi cổ phần hóa Nhà máy Cáp và Vật liệu Viễn thông đổi tên thành công ty cổ phần Cáp và Vật liệu Viễn thông (SACOM). Đến năm 2000, SAM là một trong hai công ty đầu tiên được niêm yết trên TTCK Việt Nam.
Hiện SAM đang theo đuổi nhiều lĩnh vực kinh doanh nhưng chính yếu nhất vẫn là mảng tài chính và bất động sản (BĐS). Trong đó, tài chính là nghề “tay trái” nhưng SAM vẫn đầu tư mạnh mẽ, dù phải đứng trước nhiều rủi ro. Còn BĐS là kênh mang đến kỳ vọng dòng tiền sẽ “chảy” về tài khoản cho SAM. Các sản phẩm BĐS của công ty này cũng đa dạng từ căn hộ, biệt thự, nhà phố, BĐS nghỉ dưỡng đến phát triển dự án. Vừa qua, SAMLAND đã khai trương nhà mẫu, tiếp thị dự án SAMSORA Riverside (Dĩ An, Bình Dương); đồng thời lên kế hoạch bán hết căn hộ tồn kho ở dự án đầu tư thứ cấp là Giai Việt và Hoàng Anh Gia Lai RiverView...
Thị trường địa ốc sôi động cuối năm sẽ mở ra cơ hội để SAM tăng nguồn thu, đáp ứng kỳ vọng của cổ đông và nhà đầu tư. Nhưng, đó cũng là thách thức khi các “đối thủ” lớn khác cũng tung sản phẩm BĐS chất lượng ra thị trường như: Sacomreal, Phú Mỹ Hưng, Điền Phúc Thành, Capitaland, Keppel Land, Novaland, Hưng Thịnh và Nam Long...
Trong giải trình kết quả hợp nhất hoạt động kinh doanh quý 3-2017, doanh thu của SAM tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu từ sản xuất dây và cáp. Nhưng dữ liệu lịch sử giao dịch cổ phiếu SAM trong 20 phiên gần nhất cho thấy, hơn phân nửa là giảm giá và đứng giá. Còn 20 phiên giao dịch trước đó, cổ phiếu SAM cũng chỉ có 5 lần tăng giá. Số còn lại là giảm và đứng giá.
Vì thế, SAM không dễ để củng cố dòng tiền.