Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Săn hàng thùng - sở thích của nhiều "quý cô"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hà Nội chớm đông cũng là lúc những những cửa hàng bán hàng thùng trong chợ Đông Tác bắt đầu “chiến dịch" xả hàng.

KTĐT - Hà Nội chớm đông cũng là lúc những những cửa hàng bán hàng thùng trong chợ Đông Tác bắt đầu “chiến dịch" xả hàng.

Khách "ruột" của hàng thùng phần đông là dân "kinh tế khá" với những những xe ga sành điệu dựng san sát trước mỗi hàng.

Săn hàng thùng - sở thích của nhiều "quý cô"

Từ lâu, mua hàng thùng trở thành “mốt” của rất nhiều người, đặc biệt là phụ nữ. Với ưu điểm giả rẻ, người mua mặc sức ngã giá món đồ mình ưng ý sau khi bới tung cả gian hàng... Quần áo, phụ kiện tại đây lại thường là "nước 1", có khi là hàng hiệu nguyên chiếc, không pha tạp, khu chợ Đông Tác (Đống Đa, HN) trở thành điểm hẹn lý tưởng để các quý bà, quý cô thể hiện kinh nghiệm mua sắm...

Hà Nội chớm đông cũng là lúc những những cửa hàng bán hàng thùng trong chợ Đông Tác bắt đầu “chiến dịch" xả hàng. Có một điều khác thường mà ai từng một lần qua đây đều có thể nhận ra, khách "ruột" của những gian hàng này phần đông là dân "kinh tế khá" với những SH, Dylan, những xe ga cáu cạnh, sành điệu dựng san sát trước mỗi hàng.

Theo nhiều bạn trẻ sành ăn mặc, chọn hàng thùng là công việc có sức hấp dẫn kỳ lạ và "Phải thật kiên trì mới có thể tìm được hàng độc và đẹp”.

Săn hàng thùng - sở thích của nhiều "quý cô" - Ảnh 1

Đầu đông, quý cô "lá ngọc cành vàng" đi săn hàng thùng.

Nếu lần đầu tiên đến chợ, chắc hẳn nhiều người không khỏi ngạc nhiên tại sao xung quanh đống quần áo nhăn nhúm, chất cao như núi ấy chỉ toàn thấy các bà, các cô ăn mặc sành điệu, trang điểm đậm đà, tay đeo vòng vàng... cứ thoăn thoắt bới tung, chọn cái này, ướm cái khác đầy hào hứng, say mê.

Vừa thuần thục xem từng đường may, nhãn mác một chiếc áo dạ ưng ý bới được từ đống hàng, chị Hương (Lương Thế Vinh, Hà Nội) vừa cho biết: "Nghe điện thoại của chị chủ bảo có kiện hàng mới về, chiều nay xổ nên vừa hết giờ làm là mình "phi" ra luôn. Chọn ngay hàng nước đầu mới có nhiều đồ đẹp, có khi vớ được cả hàng hiệu sale".
 
Chị Hương đang là nhân viên của một ngân hàng lớn với mức thu nhập gần 30 triệu/tháng. Vốn là khách quen và là “tín đồ” của hàng thùng trong khu chợ sầm uất này nên mỗi khi có kiện hàng mới về, các chủ cửa hàng lại "alo" cho chị ra chọn đầu tiên.

Chị Hương chia sẻ kinh nghiệm: “Hàng ở đây nhiều, dễ trả giá, phần lớn, họ không mất tiền thuê mặt bằng như những cửa hàng đắt tiền hoặc các siêu thị hạng sang trên phố nên giá cả phải chăng. Nếu mua được hàng xịn, hàng độc tính ra so với hàng mới của Trung Quốc hay của Việt Nam cũng còn rẻ chán mà lại chất!”.

Săn hàng thùng - sở thích của nhiều "quý cô" - Ảnh 2

Khu chợ Đông Tác (Đống Đa, HN) như được "trang điểm", đánh bóng thương hiệu bởi những chiếc xe ga cáu cạnh, đắt tiền luôn rậm rịch vào ra.

Bên cạnh đó, chị Lan - đồng nghiệp của chị Hương - cũng hớn hở khoe một bọc quần áo, mua cho con và cả cho chồng, chỉ với giá từ 50 - 80.000 đồng/món đồ. “Nào là áo len, áo thu đông, quần dài, quần ngắn... nhẩm tính chỉ mất khoảng 1 triệu nhưng mua được quần áo mặc cả mùa đông, sang năm không thích lại đi săn tìm hàng mới”, chị Lan vui vẻ.

Hàng thùng giá đắt, coi chừng bị “hớ”

Theo tìm hiểu chúng tôi, “tín đồ” của những mặt hàng này không còn là sinh viên, người thu nhập thấp mà phần lớn hiện nay là người có tiền và thích hàng hiệu.

Lý do một phần là những người kinh tế khá giả có điều kiện mua sắm, tiếp xúc nhiều với các mặt hàng cao cấp nên rất dễ "nhận mặt" hàng độc, hàng chất trong đống hàng thùng. Phần nữa chính là sự hấp dẫn khó cưỡng của hàng thùng: mặc sức ngã giá các món hàng đến khi thuận mua, vừa bán thì thôi. Không những thế, khi bới được món đồ ưng ý lại là hàng hiệu "xịn", giá bình dân... người mua sướng râm ran cả tháng.

Theo tính toán của một “chuyên gia” săn hàng thùng, chiếc áo choàng của Hàn Quốc nếu mua mới ở thị trường bên ngoài, giá có thể lên đến 2 triệu đồng/chiếc nhưng trong chợ Đông Tác, giá chỉ dừng lại ở 550.000 đồng (chưa mặc cả) mà chất lượng không kém cạnh.
 
Khu chợ có đầy đủ từ hàng quần áo đến phụ kiện như đồng hồ, vòng tay, kính mắt, ví da, dây lưng... giá trung bình từ 20.000 đến 200.000 đồng, đủ chủng loại, mẫu mã để người tiêu dùng lựa chọn, đặc biệt là “luôn chạy theo xu hướng của thời đại” – như một chủ cửa hàng đã tự tin quảng cáo.

Theo quan sát của pv, khu chợ trở nên sầm uất, được “thương hiệu” hơn nhờ những chiếc xe ga đắt tiền như LX, Spacy, SH, Dylan, khách mua hàng đỗ ngổn ngang bên trong chợ.

Thấy chúng tôi băn khoăn mặc cả chiếc túi xách được phát giá 300.000 đồng, một “fan” của chợ chỉ dẫn: "Trả 80.000 đến 100.000 đồng thôi”. Với mức giá chệnh lệch đến gần 4 lần như thế chắc chắn không ít người đã phải ngậm quả đắng vì ham hàng hiệu giá rẻ.

Săn hàng thùng - sở thích của nhiều "quý cô" - Ảnh 3

Nếu chỉ giặt bình thường và phơi nắng, quần áo hàng thùng khó có thể diệt được nấm hay ghẻ lở.

Anh Tuấn trông xe tại đây cho biết: “Vào đầu mùa đông, mỗi ngày bãi xe này có đến 250 xe gửi còn chưa kể người đi trực tiếp xe vào chợ. Số lượng xe ga, xe đắt tiền chiếm đến 60%”. Bản thân anh Tuấn cũng đã từng chứng kiến rất nhiều vị khách sau khi mua hàng đã xót xa vì bị “hớ” đậm.

Chị Chiến (Tuệ Tĩnh, Hà Nội) mua đôi giày với giá 250.000 đồng, tưởng hàng “xịn” nên mặc dù giá ngang ngửa với hàng trong nước chị vẫn mua. Mang về đi được vài hôm, khi đem ra lau bụi, chị mới “ngã ngửa” vì thấy lớp da bong lên, hàng “xịn” thực chất chỉ là hàng “rởm” được chủ cửa hàng lăn xi, đánh bóng, “thổi phồng” chất lượng. Biết là thế nhưng theo chị Chiến, kinh nghiệm đó giúp chị kỹ lưỡng hơn trong những lần mua sau chứ "nói không với hàng thùng có lẽ là... không được".

Có khách hỏi giá một chiếc áo nhăn nhúm, bà chủ “hét” lên 400.000 đồng. Khi khách hàng chê đắt, bà chủ liền trấn an: “Hàng cũ nhưng chất vải tuyệt vời, cháu cứ yên tâm mà  mua”. Để khách hàng tin tưởng, bà chủ đon đả đưa ra ví dụ: “Cũng giống như việc xe dream Thái cũ bao giờ chẳng tốt hơn xe wave Tàu mới”. Với chiêu quảng cáo như vậy, không ít khách hàng đã khó mà về tay không vì bị lừa bởi cái “mác hàng xịn”.