Nhà hát Kịch Hà Nội lần đầu tiên sử dụng sân khấu quay khi ra mắt vở diễn “Hà Thành chính khí”. Ảnh: Lại Tấn |
Khán giả quay lưng
Trong sự phát triển của sân khấu Thủ đô những năm gần đây, Nhà hát Múa rối Thăng Long là một trong những điểm sáng tiêu biểu. Nhìn vào dòng người ngày ngày xếp hàng mua vé tại rạp 57B Đinh Tiên Hoàng bất kể trời nắng hay mưa, từng đoàn xe du lịch đưa đón khách tới xem khiến người dân Hà Nội ai cũng phấn khởi. Thủ đô đã có một địa điểm văn hóa luôn sáng đèn 365 ngày, không ngày nghỉ với tần suất 5/6 buổi ngày, doanh thu gần 50 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, thành phần khán giả, người xem vẫn đáng băn khoăn bởi theo NSƯT Đăng Tiến: “Từ chục năm nay, đối tượng người xem múa rối nước khách quốc tế chiếm tới 95%, khán giả trong nước rất ít”.
Tháng 9/2019, Hội Sân khấu Hà Nội mở trại viết cho 15 tác giả viết ở Tam Đảo. Trong số 15 tác giả thì có 14 tác giả vẫn viết theo cách cũ. Mòn về thể tài, mòn về thi pháp, chê thì không ai chê nhưng những món ăn ấy quá quen thuộc, quen thuộc đến nỗi phát chán. Nhà viết kịch Giang Phong |
10 năm trở lại đây, khán giả không còn mặn mà với những vở diễn mới được dàn dựng. Theo các nghệ sĩ, khán giả của sân khấu Thủ đô không còn là những người dân sống cuộc đời đầy thanh bình sau những căn hộ khép kín mà đã đô thị hóa. Chính vì vậy, theo nhiều nhà sáng tạo sân khấu, các vở diễn cần đẩy nhanh tiết tấu, phục vụ khán giả bằng những kịch bản hấp dẫn, thiết thực. Đạo diễn Hoàng Thanh Du chia sẻ: “Gần đây, đa số các sáng tác có chủ đề là những tích trò lịch sử nhưng chỉ dừng ở việc kể chuyện, né tránh hoặc không dám nói những vấn đề của cuộc sống hôm nay. Mặt khác, khán giả còn cảm thấy xa lạ, thậm chí khó chịu với những vở diễn giáo điều khai thác yếu tố tâm lý vốn đã thành nếp quen thuộc và vở diễn với nội dung minh họa tuyên truyền thô kệnh như một tờ quảng cáo”.
Tư duy quá cũ, quá mòn
Theo PGS.TS Trần Trí Trắc, nhiệm vụ của người sáng tạo sân khấu Hà Nội hiện nay là thể hiện nổi bật hình tượng con người mới, cuộc sống mới ở Thủ đô khi tiến vào cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời thiết kế hệ giá trị chân – thiện – mỹ cho người Hà Nội trong thời đại mới. Người viết kịch, đến đạo diễn, diễn viên, phải nghĩ xa hơn về bối cảnh ở thời đại mới, tìm cách phản ánh hiện thực hóa trên sàn diễn một cách thuyết phục.
Nhưng không có nghĩa cái cũ kỹ của sân khấu Hà Nội đang có sức ì không thể nào vượt lên được. Các tác giả, đạo diễn, các nhà hát, đều nhận diện được nó, thấu hiểu được sự cấp bách phải đổi mới, phải sáng tạo thì mới bắt kịp được đòi hỏi của thời đại. Trong liên hoan sân khấu chèo vừa qua, vở chèo “Điều còn lại” được Ban Giám khảo tặng Huy chương Vàng. Tấm huy chương này được nhà viết kịch Giang Phong đánh giá cao bởi đó là “tấm Huy chương Vàng mười thứ thiệt”. Đề tài của vở chèo “Điều còn lại” chúng ta vẫn thường gặp, đó là đề tài chiến tranh, về người lính. Nhưng cái sáng tạo của vở này ở chỗ tả cái ác liệt, tổn thất, sự hy sinh không phải trực tiếp bằng trận đánh, mà tả hậu phương của chiến tranh. Người chịu hậu quả đau đớn lại là những bà mẹ và con trẻ. Xem xong, chúng ta thấy nghẹt thở, bâng khuâng.
Gần đây, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã khai thác thành công những đề tài hay về đời sống hiện đại qua 3 vở kịch ngắn: “Tình yêu qua mạng”, “Sếp vợ”, “Bệnh quảng cáo”. Trong đó, tình yêu qua mạng của hai tác giả Phạm Văn Quý và Nguyễn Toàn Thắng đã chớm quan tâm đến thời đại số, tạo nên không khí sân khấu gần với đời thường ngày hôm nay, mang một diện mạo mới mẻ. Tác giả và đạo diễn đã biết kết hợp nhuần nhuyễn nhưng là vừa đủ giữa cải lương, hài kịch và âm nhạc hiện đại. Có thể thấy, sự sáng tạo, đổi mới của sân khấu Hà Nội mới chỉ là bước đầu nhưng rất cần thiết để sân khấu tìm được chỗ đứng của mình trong lòng khán giả.