KTĐT - Không chỉ là những sứ giả trên lĩnh vực chính trị, văn hóa, giờ đây các đại sứ Việt Nam tại nước ngoài còn có thêm một trọng trách mới là ngoại giao kinh tế.
Doanh nghiệp “đói” thông tin
Ngoại giao kinh tế hiện nay được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các vị đại sứ Việt Nam trong mỗi nhiệm kỳ công tác tại nước ngoài. Mỗi năm, nước ta có hàng nghìn đoàn doanh nghiệp xuất ngoại để tìm kiếm cơ hội hợp tác, đầu tư, xúc tiến thương mại, sự thành bại của các chuyến đi đó phụ thuộc không nhỏ vào sự năng động và nhạy bén của các vị đại sứ của Việt Nam tại nước sở tại.
Chính vì ý nghĩa quan trọng đó mà tại buổi gặp gỡ giữa 21 vị đại sứ vừa được Chủ tịch nước bổ nhiệm và đại diện doanh nghiệp trong nước diễn ra sáng 13/1, tại Hà Nội, rất nhiều ý kiến đã được nêu lên xoay quanh đề xuất tăng cường số lượng và chất lượng thông tin thương mại và công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp. Nói như TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì các vị đại sứ, các đại sứ quán của Việt Nam tại nước ngoài chính là cầu nối quan trọng giúp các doanh nghiệp có thể vươn ra biển lớn, thiết lập quan hệ bạn hàng với doanh nghiệp của nhiều quốc gia, châu lục trên thế giới. Thông tin chính xác, kịp thời về thị trường, thể chế kinh tế… sẽ là vô cùng hữu ích đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Lộc đề nghị, các vị đại sứ cung cấp nhiều hơn nữa những thông tin về công nghệ của các nước có nền khoa học công nghệ tiên tiến nhằm giúp doanh nghiệp trong nước học hỏi và hợp tác. Hiện nền kinh tế nước ta đang có nhu cầu tái cơ cấu, trong đó tái cơ cấu về công nghệ là đòi hỏi quan trọng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn rất cần những thông tin cập nhật về cơ cấu xuất nhập khẩu, các tiêu chuẩn kỹ thuật hàng hóa, thông tin về đối tác thương mại… “Thông tin chi tiết, cụ thể, sát sườn hơn đối với doanh nghiệp” là kiến nghị của ông Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hà Nội.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Hải Dương, ông Nguyễn Hữu Đoan bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài trong việc quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, thương hiệu nổi tiếng của quê hương. Đồng hành cùng các doanh nghiệp trong các vụ tranh chấp thương mại ở nước ngoài, cũng như hỗ trợ thông tin pháp lý giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường. Đã có không ít doanh nghiệp khi ra nước ngoài tìm kiếm đối tác, vì “lạ nước” và thiếu hiểu biết về luật pháp nước sở tại nên đã bị vướng vào các vụ kiện tụng thương mại rất phức tạp. “Gặp những tình huống như thế chúng tôi rất mong nhận được sự yểm trợ kịp thời của các đại sứ, tham tán thương mại” - ông Đoan chia sẻ.
“Bàn tay nắm lấy bàn tay”
Có thể xem “bàn tay nắm lấy bàn tay” là hình ảnh tượng trưng cho cam kết hợp tác, tương trợ giữa các nhà ngoại giao Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp trong nước vì một nền ngoại giao kinh tế phát triển hiệu quả và bền vững, mang lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và đất nước.
Các đại sứ hỗ trợ, chia sẻ thông tin với doanh nghiệp, song ngược lại chính các doanh nghiệp cũng là “tai mắt” của các đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài nhờ những mối quan hệ kinh tế mà doanh nghiệp thiết lập được. Xét từ khía cạnh này thì việc tăng cường mối liên hệ giữa các nhà ngoại giao và doanh nghiệp sẽ mang lại lợi ích cho đôi bên.
Phát biểu kết thúc buổi gặp gỡ, tân Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Trần Trọng Toàn khẳng định, tất cả các đại sứ quán của Việt Nam tại nước ngoài luôn rộng cửa giúp đỡ doanh nghiệp và mọi công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và kinh doanh tại nước bạn. Những doanh nghiệp trong nước có nhu cầu tìm hiểu thông tin cụ thể về đối tác, về thị trường nước ngoài có thể liên hệ trực tiếp với đại sứ quán Việt Nam tại nước đó hoặc thông qua Bộ Ngoại giao.
“Chúng tôi sẵn sàng là “bà đỡ” cho các doanh nghiệp có mong muốn mở rộng đầu tư kinh doanh ở nước ngoài mang lại nguồn lợi cho doanh nghiệp, cho đất nước” - Đại sứ nhấn mạnh.