Chẳng phải đem về cho con cô ấy, vì tôi biết 2 đứa nhà đó đã “lớn hơn” những thứ cô gom được, hơn nữa điều kiện nhà cô cũng… “không cần phải đi xin”. Vậy nhưng, lần nào cô cũng rất hồ hởi, nhiệt thành, khiến ai nấy đều nhận ra cô “cất” trong việc làm ấy đầy tình yêu thương. “Cậu làm từ thiện đấy à?” – tôi hỏi cô. Đầy nhiệt tình, cô chia sẻ: “Mấy đứa bạn học bọn mình cùng nhau gom đồ, rồi mang tặng bọn trẻ nghèo. Cô kể, đi lên những vùng miền núi, hay gần hơn là vào những mái ấm tình thương, mới thấy bọn trẻ tội, trong khi trẻ thành phố thì ăn ngon mặc đẹp, váy áo xúng xính. Có những thứ chưa kịp cũ đã ngắn, đã chật, đã xếp xó… thậm chí chẳng biết cho ai. Một năm cũng mấy đận, tranh thủ ngày cuối tuần được nghỉ việc ở cơ quan, cô và mấy người bạn lại tổ chức một chuyến đi làm từ thiện. Cô đã đến san sẻ yêu thương và khó khăn cho lũ trẻ nghèo ở Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu…, nhất là vào những dịp cận kề Tết, 1/6, Trung thu... “Đúng là cũ người mới ta, bọn trẻ được quần áo, sách vở mừng một, thì bố mẹ chúng mừng ba mừng bốn. Còn niềm vui trong mình thì khó tả lắm, có lẽ đúng như cách nói của những người hay tụng kinh niệm Phật như mẹ mình là “Lòng hoan hỉ khi làm việc thiện”” – chị chia sẻ. Đôi lần trong những chuyến đi ấy, các cô cho con theo cùng. Và những cuộc đi, những cảnh đời được gặp, những đứa trẻ thành phố không biết đến thiếu thốn, đã hiểu hơn giá trị sống, biết yêu quý và tiết kiệm những thứ đồ mình đang có… Vậy là việc san sẻ yêu thương vốn đã ý nghĩa lại càng thêm ý nghĩa. Trung thu đã qua, tháng 10 với Ngày Vì người nghèo lại tới. Chẳng phải là chạy đua phong trào, mà chính vào những dịp này, người ta càng thấy rõ nét tinh thần tương thân tương ái, nhường cơm sẻ áo đã đồng hành cùng người Hà Nội bao lâu nay. Ấy là một nét đẹp không chỉ của riêng người Hà Nội.