Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

San sẻ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bà ở hơn một tháng, tôi buộc phải nghĩ cách để bà về với ông bởi không muốn bà vất vả thêm, cũng không thể để chồng con tôi “hư” đi thêm được.

Nhiều người vẫn thắc mắc: “Bà nội, ngoại đâu sao cứ phải bế bồng con đi gửi, vừa mất tiền, vừa nhếch nhác, lại e không an toàn”, tôi chỉ nói: “Con của vợ chồng mình, vợ chồng mình chủ động mà lo chứ!”.

Bản thân tôi nghĩ, ông bà đến tuổi này rồi phải trông cậy lẫn nhau, sức đâu mà đi nuôi cháu. Không thể đòi bà lên đây mà trông con cho, tách bà ra khỏi ông, cả ông lẫn bà sẽ muộn phiền.

Thêm nữa, tôi ngại nhất là chồng sinh lười biếng, ỷ lại do có người đỡ cho. Giờ anh đã “tệ hại” lắm rồi do từ bé đến lớn được mẹ làm cho tất cả.
San sẻ - Ảnh 1
Tôi sợ nhất là con trai sau này sẽ giống những người đàn ông như bố và bác nó, cứ giương mắt nhìn vợ con kẻ nấu bếp, đứa dọn mâm dọn bát mà tuyệt không có cảm giác mình nên nhấc chân nhấc tay cùng tham gia hay giúp đỡ. Cho nên tôi sợ cảnh “cháu hư tại bà”. Được cái từ ngày ra ở riêng, rồi tôi sinh đứa thứ hai, chồng tôi tiến bộ rõ rệt trong khoản đỡ đần vợ. 

Con được bảy tháng tôi đi làm, bà nội xuống, nhà lại rối tung. Vì với bà, chồng và cả con tôi chỉ là những đứa trẻ to xác, chân tay loằng ngoằng động đâu hỏng đó, thà bà làm rốn tí cho xong còn hơn.

“Mày không làm thì cứ để đấy, cho nó nghỉ, tao làm tí là xong” là điệp khúc tôi phải nghe đi nghe lại mỗi khi mở lời muốn nhờ chồng, nhờ con việc gì.

Ngay cả việc tôi yêu cầu đứa lớn tự xúc ăn thật ngoan như mọi khi cũng trở nên thật khó khăn khi bà lên tiếng: “Nó không ăn thì bón cho nó, có cái việc ấy thôi mà cũng ì ầm”. Con tôi bắt đầu phụng phịu không chịu tự xúc vì ỉ thế có bà bênh.

Mọi việc nho nhỏ vừa với sức của nó mà tôi cố tình nhờ để nó có ý thức với việc gia đình, kết nối hơn với em như lấy bỉm, mang bình sữa đến... đều được bà... làm hộ, không chờ tôi nhắc lại với con lần thứ hai. Bực hơn là sau mỗi lần “làm hộ” cháu, con trai như vậy, bà lại càm ràm tôi: “Có cái việc cỏn con thế mà cũng phải nhờ”.

Con tôi bây giờ lúc nào cũng xoen xoét câu: “Cháu yêu bà nhất trên đời”, bà càng sướng, càng chiều. Bố mẹ có nói gì nó cũng cứ ì ra, quát chả được. Động vào nó bà lại giận, bà dỗi rồi chửi: “Chúng mày giỏi, quát con à, chúng mày bằng được nó chưa? Hay là muốn quát ai thế?”.

Nhìn bà tôi cứ nghĩ, thế để làm gì? Cả đời bà vơ hết việc vào mình thay chồng con, bây giờ đến cháu, tự bà làm mình vất vả, dẹo dọ. Thời buổi nào rồi mà đàn bà là cứ phải một mình cắm mặt vào bếp, làm một mình cực thân, có được tiếng khen ho hen chẳng còn.

Bà ở hơn một tháng, tôi buộc phải nghĩ cách để bà về với ông bởi không muốn bà vất vả thêm, cũng không thể để chồng con tôi “hư” đi thêm được. “Con hỏi được bác hàng xóm cẩn thận lắm, bà cứ yên tâm về chăm sóc ông. Ông bà mạnh khỏe là chúng con mừng”. Tôi nói với bà như vậy. Hôm bà về cứ nước mắt ngắn dài thương các cháu, thương thằng lớn chẳng ai bón cho ăn, thương nó bị mẹ sai đủ việc…

Gia đình tôi lại về quỹ đạo cũ. Đi học về thằng anh chơi với thằng em trong tầm kiểm soát của mẹ, nó lại ngoan ngoãn tự xúc ăn và làm rất nhiều việc khác nữa. Bố nó cũng không dám la cà, hết giờ làm về thẳng nhà giúp vợ bởi biết không có bà trăm việc lại đổ lên đầu vợ. Anh ấy đã tìm thấy niềm vui khi cùng vợ con làm việc nhà. Thi thoảng chúng tôi vẫn gọi điện về hỏi thăm ông bà, khoe thành tích của hai đứa cháu, rằng chúng đã biết làm việc nọ việc kia. Lúc ấy cả ông với bà lại phấn khởi cười khen cháu ông bà giỏi quá.

Dù ai nói tôi dại, tôi dốt, tôi không biết “tận dụng” ông bà thì cũng chịu, bởi quyết tâm của tôi là san sẻ, trao quyền “nội tướng” cho tất cả các thành viên trong gia đình.