Nhu cầu thực phẩm sạch tăng cao
Nhu cầu về thực phẩm sạch và ngon tại Hà Nội ngày càng gia tăng sau hàng loạt thông tin về các loại hóa chất được sử dụng làm phụ gia trong thực phẩm. Các bà nội trợ buộc phải tìm mua từ mớ rau, các loại thịt, cá, thủy hải sản cho đến đậu sạch, gạo sạch được mang từ quê ra TP tiêu thụ...
Chị Nguyễn Ngọc Hà - nhân viên văn phòng, vẫn hay mua hàng ở chợ Bách Khoa cho biết, chị thường xuyên mua rau của người quen mang từ Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai). Chị nói: Mua lâu thành quen nên rau vừa sạch vừa an toàn. Gần đây, chị còn tìm được mối chuyên lấy thịt vận chuyển từ quê lên, giao tận tay, khiến chị không phải lo lắng về nguồn gốc và chất lượng thực phẩm sạch cho bữa ăn hàng ngày của gia đình.
Chị Thoa bán hàng ở Chợ 8/3 kể, nhận thấy nhu cầu thực phẩm sạch của các bà nội trợ, nhất là thịt lợn tăng cao, chị nảy ra ý định mang nguồn hàng từ quê lên bán. Thịt lợn "sạch" mà chị cung cấp được thu gom từ các hộ gia đình ở Hưng Yên, không sử dụng chất tăng trọng, được kiểm dịch đầy đủ bởi Chi cục Thú y ở tỉnh. Theo chị Thoa, có không ít khách hàng thường đặt mua thực phẩm số lượng nhiều để dùng cho cả tuần.
Nhìn chung, giá các loại thực phẩm sạch thường cao hơn 1,5 - 2 lần so với giá thị trường. Rau mồng tơi sạch có giá 18.000 - 20.000 đồng/mớ, rau muống 18.000 - 20.000 đồng/mớ, cải ngọt 20.000 đồng/kg... Trứng sạch cũng đắt hơn trứng bán trên thị trường từ 7.000 - 10.000 đồng/chục, gạo sạch đắt hơn từ 8.000 - 10.000 đồng/kg, các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm đắt hơn 15.000 - 20.000 đồng/kg...
Liệu có an toàn?
Thời gian qua, những quầy trưng biển thực phẩm sạch xuất hiện khá nhiều trên các con đường, khu chợ Hà Nội và ngay cả trên cộng đồng mạng. Ngoài ra, trào lưu giới thiệu giữa các bà nội trợ cho nhau để đặt mua sản phẩm cũng là yếu tố khiến việc kinh doanh mặt hàng này cầu đang vượt cung. Tuy nhiên, cũng cần thừa nhận, thị trường thực phẩm sạch hiện tồn tại nhiều bất cập, lẫn lộn thật giả, thậm chí tình trạng trà trộn hàng chưa sạch vào hàng sạch để tăng lợi nhuận đang có chiều hướng gia tăng.
NTD không thể đủ thông thái để lựa chọn được 100% thực phẩm sạch. Thực tế khi được hỏi, liệu có chắc chắn rằng thực phẩm đặt mua là sạch và an toàn cho sức khỏe không, không ít NTD cho biết, chỉ tin vào lời rao bán mà không chắc chắn từng công đoạn nuôi, trồng sản phẩm... có thực sự bảo đảm an toàn.
Ông Nguyễn Hồng Anh - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ Thực vật TP Hà Nội cho biết, việc phát hiện vi phạm trong kinh doanh thực phẩm sạch không dễ, bởi lượng hàng hóa được luân chuyển trong ngày rất lớn, trong khi muốn kết luận thực phẩm có sạch hay không phải trải qua quá trình lấy mẫu, kiểm tra cụ thể. Ông Hồng Anh khuyến cáo: "Theo quy định, thực phẩm an toàn phải được dán tem an toàn, ghi mã số của cơ sở sản xuất, công khai giá cả. Nếu không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ, không có tem nhãn trên sản phẩm, NTD hoàn toàn có thể nghi ngờ tính trung thực của sản phẩm. Bên cạnh đó, NTD cũng lựa chọn các nhà cung cấp, các siêu thị có uy tín để chọn mua thực phẩm cho gia đình mình".
Điểm bán và tư vấn kỹ thuật trồng rau sạch của tổ phụ nữ, Chi hội 15, phường Láng Hạ. Ảnh: Tú Chi
|