Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tốc độ tăng giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp cao hơn tốc độ tăng GDP của cả nước (6,79%) và tiếp tục là động lực và đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế. Tốc độ tăng giá trị này càng có ý nghĩa trong điều kiện ngành công nghiệp khai khoáng (chiếm 26,16% giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp) vẫn còn tiếp tục giảm (giảm 2,2%). Bù lại, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất trong toàn ngành công nghiệp (54,8%) và tăng cao nhất (12,35%).
Một số ngành còn tăng cao hơn như sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm từ cao su và plastic. Trong khi đó, ngành cấp nước, xử lý rác thải, nước thải một ngành quan trọng không chỉ đối với công nghiệp trong thời kỳ công nghiệp hóa, mà còn đối với toàn xã hội trong sự nghiệp phát triển bền vững tiếp tục tăng khá (8,45%) cao hơn tốc độ tăng GDP của toàn bộ nền kinh tế. Các sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp đạt khá cao như: Khí hóa lỏng, xăng dầu, thức ăn gia súc, vải dệt, giày dép, phân urê, sắt thép thô, ti vi, ô tô.
Chỉ số sử dụng lao động của DN tiếp tục tăng khá so với cùng thời điểm năm trước (2,3%), cao hơn tốc độ tăng tổng số lao động đang làm việc của toàn bộ nền kinh tế (khoảng trên 1%). Tốc độ tăng này đạt được ở 2 ngành công nghiệp là công nghiệp chế biến, chế tạo góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu lao động đang làm việc giữa các nhóm ngành kinh tế theo hướng giảm nông nghiệp tăng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ.
Tăng trưởng công nghiệp đạt được do nhiều yếu tố trong đó đầu tư trong nước và cả đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới đầu tư vào công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 75,3%; nếu tính cả đăng ký bổ sung chiếm 80,3%.
Cần được tái cơ cấu
Tuy có tín hiệu đáng mừng nhưng ngành công nghiệp vẫn còn đó những hạn chế, yếu kém và cần cơ cấu lại để đáp ứng yêu cầu phát triển trong những năm tới. Những hạn chế, yếu kém của ngành dễ nhận thấy đó là cơ cấu kỹ thuật - công nghệ với tính gia công, lắp ráp của ngành công nghiệp Việt Nam còn cao, ngay cả khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với những ngành có kỹ thuật - công nghệ hiện đại.
Đặc tính gia công, lắp ráp của công nghiệp dẫn đến 2 vấn đề đáng quan tâm. Vấn đề thứ nhất, việc gia công, lắp ráp làm cho thực thu ngoại tệ không cao, thu nhập của người lao động làm ở đây còn thấp (chỉ trên dưới 200 - 300 USD/tháng). Vấn đề thứ hai là nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất sản phẩm công nghiệp chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu.
Chẳng hạn, điện thoại và linh kiện chiếm 23,9%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện chiếm 50,6%; phương tiện vận tải và phụ tùng chiếm 56,5%... Nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may da giày, bông, xơ sợi, vải (có một phần để tiêu dùng trong nước) so với xuất khẩu dệt may, giày dép, nguyên phụ liệu dệt may giày dép, vải mành, vải kỹ thuật khác bằng 59,1%. Trong cơ cấu trình độ công nghệ của các DN ngành chế biến, chế tạo, thì công nghệ cao chiếm 12,72%, công nghệ trung bình chiếm 31,7%, công nghệ thấp chiếm tới 55,58% - cao hơn tỷ trọng trong 2 nhóm cao và trung bình.
Cơ cấu nội, ngoại trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp còn mất cân đối: Khu vực trong nước chiếm dưới 50%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) chiếm trên 50%. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, khu vực có vốn ĐTNN chiếm trên 70%; nếu tính riêng về xuất khẩu hàng công nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao hơn. Tính lan tỏa khoa học - công nghệ giữa khu vực có vốn ĐTNN và khu vực trong nước còn rất thấp.
Tốc độ tăng chỉ số sản xuất công nghiệp liên tục cao hơn và trong thời gian dài so với tốc độ tăng giá trị tăng thêm (năm 2018 là 11,6% so với 10,08%, quý I/2019 là 9,2% so với 8,95%). Điều đó chứng tỏ một mặt do hiệu quả đầu tư giảm, mặt khác do tốc độ tăng của những ngành có tỷ lệ chi phí trung gian thấp hơn tốc độ tăng của những ngành có tỷ lệ chi phí trung gian cao.