Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn: Thiếu liên kết bền vững

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những năm gần đây, mặc dù các địa phương rất quan tâm xây dựng cơ chế chính sách cho phát triển rau an toàn (RAT) nhưng thực tế sản xuất RAT vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường và xảy ra một nghịch lý:

Người sản xuất RAT không có thị trường hoặc thị trường không ổn định, còn người tiêu dùng chưa tin tưởng vào chất lượng sản phẩm RAT.

Tại Hà Nội, nhu cầu rau xanh bình quân lên tới hàng triệu tấn/năm, song thực tế sản xuất tại thành phố này mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, còn lại 40% phải nhập từ các tỉnh lân cận. Trong đó diện tích RAT mà Hà Nội sản xuất ra mới chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu. Việc mở rộng diện tích RAT trên địa bàn thành phố còn gặp không ít khó khăn.

Đáp ứng được 60% nhu cầu

Hà Nội hiện có 12.041,7ha diện tích trồng rau phân bổ ở 22 quận, huyện, thị xã. Trong đó rau chuyên canh khoảng 50%, hệ số quay vòng 3,5 vụ/năm, diện tích rau không chuyên 50% hệ số quay vòng 1,5 vụ/năm. Sản lượng rau toàn thành phố  khoảng 570.000 tấn/năm, đáp ứng được 60% nhu cầu. Tuy diện tích và sản lượng rau xanh toàn thành phố là rất lớn nhưng thực tế, diện tích sản xuất RAT đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận mới chỉ đạt 3.255ha, sản lượng 227.800 tấn phân bổ ở 95 vùng trọng điểm thuộc 74 xã. Tại đây có cán bộ kỹ thuật của Chi cục Bảo vệ thực vật, Khuyến nông Hà Nội hướng dẫn giám sát.

Ngoài ra, rau sản xuất được cấp giấy chứng nhận VietGap mới có diện tích 115ha, sản lượng khoảng 8.000 tấn, phân bổ ở 6 điểm: Văn Đức (Gia Lâm); Lĩnh Nam (Hoàng Mai), Song Phương, Tiền Yên (Hoài Đức); Giang Biên, Cự Khối (Long Biên); Yên Mỹ, Duyên Hà (Thanh Trì); Thọ Lộc, Sen Chiểu (Phúc Thọ); Yên Nghĩa (Hà Đông); Thụy Hương (Chương Mỹ). Đặc biệt, rau  hữu cơ chỉ có một diện tích rất nhỏ (10,2ha) với sản lượng khoảng 510 tấn do 10 nhóm nông dân Sóc Sơn tổ chức sản xuất.

Hiện tại, RAT được tiêu thụ thông qua 122 cửa hàng bản lẻ, 8 chợ đầu mối bán buôn rau; 395 chợ dân sinh (trong đó có 102 chợ nội thành). Ngoài ra còn một lượng không nhỏ RAT được bán trực tiếp tới các khách hàng tập thể là các bếp ăn tập thể, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, khách sạn...

Các mô hình liên kết

 Mặc dù diện tích sản xuất rau xanh vẫn chủ yếu theo phương pháp truyền thống, người nông dân tự quyết định cho việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên bên cạnh đó, đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết trong sản xuất RAT và quản lý chất lượng sản phẩm tốt, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ.

Dạng liên kết thứ nhất là liên kết dạng hình nhóm sản xuất. Mô hình này được áp dụng với quy mô sản xuất nhỏ, phù hợp với trình độ quản lý của nông dân hoặc nông dân trong tổ nhóm, tổ chức sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, điển hình là 10 nhóm sản xuất rau hữu cơ của huyện Sóc Sơn. Thứ hai, liên kết dạng hình Hợp tác xã. Trong đó, HTX hình thành các tổ nhóm sản xuất các chủng loại rau theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Với hình thức này, có thể tổ chức được khối lượng hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu của kênh phân phối, điển hình là HTX Văn Đức (Gia Lâm), Lĩnh Nam (Hoàng Mai)... Thứ ba là liên kết dạng hình doanh nghiệp. Tức là doanh nghiệp thuê đất để sản xuất, sau đó thuê nông dân sản xuất thực hiện đúng quy trình kỹ thuật như Công ty Hadico; Công ty SanNam. Tuy nhiên, dạng hình này hiệu quả của doanh nghiệp chưa được rõ lắm nếu không tạo ra được sản phẩm khác biệt đáp ứng phân khúc thị trường hẹp.

Bên cạnh 3 hình thức liên kết cơ bản trên, nhiều doanh nghiệp tiêu thụ còn hỗ trợ, cung ứng vật tư đầu vào cho nông dân như giống, vật tư, phân bón; xây dựng nhà sơ chế, đóng gói, bảo quản tại vùng sản xuất thuận lợi cho người nông dân khi thu hoạch và xây dựng những chính sách khuyến khích cho nông dân nhằm duy trì, mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất, điển hình là Công ty Hương Cảnh, Công ty Hapro, Công ty Tonkin...

Cần những doanh nghiệp đi đầu

Tuy có những ưu điểm nhưng mỗi hình thức liên kết cũng đều bộc lộ những nhược điểm nhất định. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân Thủ đô về RAT, bên cạnh chính sách hỗ trợ của Trung ương và Thành phố, các doanh nghiệp tiêu thụ RAT cần liên kết chặt chẽ với người sản xuất đại diện là nhóm hộ sản xuất, HTX và xác định đây là bộ phận cấu thành, bộ phận không thể thiếu được, quyết định đến sự thành bại trong kinh doanh của doanh nghiệp. Mặt khác, quan hệ hữu cơ, bền vững giữa người sản xuất - HTX- doanh nghiệp - kênh bán lẻ sẽ thúc đẩy ngành hàng sản xuất RAT của Thủ đô bắt nhịp, hội nhập cùng các nước phát triển.

Để có được chuỗi sản xuất đồng bộ cho RAT, UBND TP cũng cần tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh RAT, hỗ trợ các điểm yếu trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; từ đó tạo lập được các doanh nghiệp dẫn đầu thúc đẩy sản xuất RAT phát triển. Xây dựng chế tài đủ mạnh để kiểm soát từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm để tạo điều kiện cho nhiều người tiêu dùng được sử dụng RAT. Xây dựng mô hình mẫu về chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ RAT từ đó tổng kết rút kinh nghiệm và nhân ra diện rộng.