Tăng năng suất, giảm chi phíĐi đầu trong việc ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất ở Ứng Hòa phải kể đến xã Quảng Phú Cầu. Vụ Xuân 2019, toàn xã có 6 máy cấy, sản xuất được 11.000 khay mạ, diện tích cấy máy đạt 150ha. Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Quảng Phú Cầu Nguyễn Lương Hậu cho biết: Từ năm 2014, HTX đã mạnh dạn đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, từ làm đất, cấy lúa đến thu hoạch. Ban đầu, nhiều hộ vẫn chưa quan tâm vì đã quen với lối canh tác truyền thống. Sau khi thu hoạch xong lúa Xuân, các hộ tham gia mô hình rất phấn khởi bởi năng suất, chất lượng vượt trội so với phương pháp cấy truyền thống. Nếu như năm 2014, cả xã có khoảng 50ha lúa được cấy bằng máy thì vụ Xuân 2019 diện tích đã tăng lên trên 150ha.Chị Nguyễn Thị Thu, thôn Quảng Uyên cho biết: "Gia đình tôi có 5 sào ruộng, những năm trước đây cấy thủ công phải mất một tuần mới xong. Nhưng khi tham gia vào mô hình cơ giới hóa đồng bộ, tất cả các khâu đều được rút ngắn, hơn nữa năng suất cao hơn so với cấy thủ công 15%”.Tương tự, gia đình anh Nguyễn Văn Thuật, xã Minh Đức đã thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong cấy lúa 3 năm nay. Anh Thuật phấn khởi cho biết: “Nếu như trước đây, sản xuất lúa theo phương thức thủ công thì bình quân mỗi sào ruộng, chi phí phải bỏ ra từ khâu làm đất đến thu hoạch khoảng 600.000 đồng/sào, còn áp dụng cơ giới hóa đồng bộ chỉ 250.000 đồng/sào. Với một máy cấy, một ngày có thể cấy được 3,5 mẫu ruộng, năng suất gấp mấy chục người cấy tay”.Theo nhận xét của nhiều hộ dân, cơ giới hóa không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất mà khi lúa sinh trưởng sẽ ít sâu bệnh, cây cứng. Bên cạnh đó, hàng lối thông thoáng nên cây lúa phát triển ổn định, bông to và dài, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn.Khuyến khích nhân rộngVụ Xuân năm nay, huyện Ứng Hòa gieo cấy trên 8.900ha lúa, chủ lực là giống lúa chất lượng cao, trong đó lúa J02 chiếm 30%. Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt gần 100%, tổng diện tích cấy máy là 260ha. Ông Nguyễn Chí Viễn - Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết: Để khuyến khích ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, huyện đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho người dân. Theo đó, huyện sẽ hỗ trợ mỗi sào cấy máy là 80.000 đồng; hỗ trợ 50% đối với những hộ mua máy cấy (không quá 100 triệu đồng); hỗ trợ 5 triệu đồng cho công chỉ đạo vùng sản xuất đạt 10ha trở lên… Mục tiêu đến năm 2020, huyện phấn đấu tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất đạt 20%.Hiệu quả của việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là rất rõ ràng. Song, trên thực tế, tỷ lệ diện tích ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ ở Ứng Hòa còn thấp. Nguyên nhân một phần do nhiều nông dân vẫn còn gặp khó khăn về vốn và khả năng tiếp cận, ứng dụng các máy móc, công nghệ mới. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp cần tiếp tục quan tâm phối hợp các ngành chức năng để nghiên cứu, khuyến khích phát triển công nghệ, máy móc mới phù hợp điều kiện sản xuất tại địa phương. Đồng thời, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và có định hướng, lộ trình đẩy mạnh cơ giới hóa đối với hoạt động sản xuất của từng loại cây trồng, gắn với định hướng tái cơ cấu của ngành nông nghiệp TP.