Sáng kiến trị giá 2,25 triệu USD này nhằm hỗ trợ quản lý an toàn các hoá chất độc hại và giảm tác động của chúng đối với con người và môi trường.Chương trình này được tài trợ bởi Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF).
Trong những năm gần đây, lĩnh vực hoá chất phát triển nhanh và có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội ở Việt Nam. Tuy nhiên, cả nước đều xảy ra tình trạng mức độ ô nhiễm cao hơn và nhiều tai nạn lao động công nghiệp hơn do thiếu chính sách toàn diện về quản lý hoá chất an toàn thân thiện với môi trường, không có đủ các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm. Ý thức về quy trình an toàn cũng như rủi ro hoá chất với sức khoẻ con người và môi trường còn thấp.
Một điểm thu gom xử lý hóa chất.
|
Tính đến 2010, Việt Nam có hơn 1.000 khu vực nhiễm độc, trong đó gần 300 khu nhiễm các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ (POP). Với sự hỗ trợ của UNDP, hơn 900 tấn hoá chất bảo vệ thực vật đã bị tiêu huỷ và 3.000m2 đất ô nhiễm được đưa vào bãi tiêu huỷ. Tuy vậy, vẫn còn nhiều điểm ô nhiễm chưa được xử lý triệt để.
Quản lý hoá chất an toàn thông qua vòng đời của chúng từ xuất nhập khẩu, sản xuất, sử dụng, vận chuyển, lưu giữ đến thải bỏ, xử lý chất thải là xu hướng toàn cầu nhằm giảm phát thải hóa chất nguy hại ra môi trường.
Tại Việt Nam, một trong các ưu tiên của Chính phủ là tăng cường quản lý an toàn hoá chất. “Việc thực thi dự án "Quản lý an toàn các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) và hóa chất nguy hại tại Việt Nam (PHCM)" phản ánh quyết tâm và hành động của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và môi trường cho phát triển bền vững” - ông Nguyễn Văn Tài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết.
Ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc quốc gia UNDP cho biết UNDP đã và đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện Công ước Stockholm từ năm 2005 bằng việc trợ giúp kế hoạch quốc gia thực hiện công ước và qua một dự án dành riêng cho chất bảo vệ thực vật hữu cơ khó phân hủy. Những hỗ trợ này góp phần giảm rủi ro phơi nhiễm của hàng hàng người dân sống xung quanh các khu vực bị nhiễm độc nặng.
“Dự án được công bố ngày hôm nay phát huy các hỗ trợ trước đây của chúng tôi nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm chất ô nhiễm hữu cơ khó phân huỷ ở Việt Nam. Dự án sẽ xây dựng công cụ nhằm quản lý mức thải chất hữu cơ khó phân huỷ trong sản xuất công nghiệp, góp phần nâng cao nhận thức công cộng về các hoá chất độc hại và giảm tác động của chúng lên sức khoẻ con người và môi trường”, ông Burkhanov nói.
Dự kiến, dự án mới sẽ trợ giúp kỹ thuật nhằm xây dựng các quy định và hướng dẫn kỹ thuật mới liên quan đến quản lý các hoá chất một cách an toàn, thân thiện môi trường như các chất hữu cơ khó phân huỷ (POP), chất độc tồn lưu trong không khí (PTS) và thuỷ ngân. Dự án cũng giúp quản lý các khu vực bị ô nhiễm theo phương pháp tiếp cận đánh giá và quản lý rủi ro theo yêu cầu của các Công ước quốc tế mà Chính phủ Việt Nam tham gia.