Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sắp có biểu giá bán lẻ điện phù hợp hơn?

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước những thắc mắc của khách hàng sử dụng điện trong thời gian vừa qua, nhất là hóa đơn tiền điện cao chót vót trong tháng 4, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo làm rõ việc tăng giá điện, Bộ Công Thương cũng đã thành lập 3 đoàn kiểm tra về công tác kinh doanh dịch vụ này.

Công nhân kiểm tra soi nhiệt độ và các điểm tiếp xúc điện tại Bờ Hồ. Ảnh: Kiên Nguyễn
Kết quả kiểm tra hoạt động niêm yết công khai giá, ghi chỉ số công tơ, chốt chỉ số, tính tiền điện, thanh toán tiền điện cho thấy, các tổng công ty điện lực và công ty điện lực đã thực hiện chốt chỉ số công tơ, phát hành hoá đơn tiền điện đúng quy định. 
Thực tế cho thấy, hoá đơn tiền điện của nhiều khách hàng sinh hoạt trong tháng 4/2019 tăng là do 3 nguyên nhân: Sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao; tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36%; kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 4 là 31 ngày, dài hơn 3 ngày so với kỳ ghi chỉ số công tơ của tháng 3/2019.

Thống kê của EVN từ số liệu phần mềm quản lý chăm sóc khách hàng, từ 20/3 đến 4/5, toàn Tập đoàn đã tiếp nhận và giải quyết hơn 71.500 yêu cầu của khách hàng liên quan đến hoá đơn tiền điện; trong đó có hơn 14.500 kiến nghị thắc mắc về chỉ số công tơ, hoá đơn tiền điện. Kiểm tra cho thấy, 100% các khách hàng thắc mắc đều hài lòng, đồng ý với kết quả.

Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo EVN thống kê chi tiết thực tế sử dụng điện của các khách hàng sinh hoạt để nghiên cứu, đề xuất biểu giá bán lẻ điện phù hợp với đại bộ phận khách hàng, đồng thời khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm.
Muốn minh bạch giá thành cần phải có kiểm toán độc lập và công bố công khai cho người dân được biết. Với ngành điện cần phải đưa ra được dự tính mỗi năm giá điện sẽ phải tăng bao nhiêu %, tăng đến năm nào thì cân bằng được với giá thành sản xuất và có lợi nhuận… Ngành điện phải kiểm toán lại xem giá thành sản xuất điện hiện bao gồm những gì, có phải chỉ thuần túy là chi phí máy móc, nhân công hay còn bao gồm cả những thua lỗ đầu tư ngoài ngành hoặc các chi phí không hợp lý khác. 

PGS.TS Phạm Thế Anh -Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội

Bộ cũng tiếp tục theo dõi, đôn đốc kiểm tra EVN và các Tổng Công ty Điện lực thực hiện Quyết định số 648/QĐ-BCT; chỉ đạo EVN nghiên cứu thay đổi thiết kế của hoá đơn tiền điện cho khách hàng sinh hoạt để dễ theo dõi kiểm tra, đặc biệt trong tháng có thay đổi giá điện phải áp dụng phương pháp nội suy. Bên cạnh đó, triển khai thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử cho khách hàng sinh hoạt theo kế hoạch đã được phê duyệt.

Ngoài ra, Bộ kiến nghị Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN tăng cường kiểm tra, giám sát các chỉ tiêu tài chính của EVN, thông tin đầy đủ đến các cơ quan báo chí về các chỉ tiêu tài chính, quản lý dòng tiền của EVN theo đúng quy định; khẩn trương tái cơ cấu EVN, đặc biệt chuyển đổi Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (bao gồm cả chức năng vận hành hệ thống điện và vận hành thị trường điện) thành đơn vị hạch toán độc lập thuộc EVN.

Liên quan đến việc tính giá bán lẻ điện cho người dân, Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau: Tổ chức triển khai tốt công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về việc điều chỉnh và triển khai thực hiện giá bán lẻ điện; Kiểm tra, rà soát và giải đáp kịp thời, chi tiết các thắc mắc, phản ánh của khách hàng sử dụng điện liên quan đến việc áp giá, thu tiền điện... Trường hợp phát hiện có sai sót phải kịp thời thực hiện truy thu thoái hoàn tiền điện cho khách hàng theo đúng quy định hiện hành. EVN có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc các nội dung nêu trên, định kỳ hàng tháng báo cáo Bộ Công Thương kết quả thực hiện.
Người dân cần được biết vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh của ngành điện từ đâu ra? Việc huy động vốn được thực hiện như thế nào? Đầu tư vào sản xuất, kinh doanh điện ra sao và lãi thu về là bao nhiêu…? Đặc biệt, những chi phí đầu vào của ngành điện như giá than, giá khí, giá dầu… để từ đó có giá điện cuối cùng. Về Biểu giá điện chia làm 6 bậc như hiện nay vẫn có nhiều bất cập, chỉ nên chia làm 3 bậc. Bậc đầu tiên là cho những người thu nhập dưới mức trung bình. Bậc thứ 2 là mức đại trà của xã hội nên để bằng hoặc cao hơn mức giá bình quân. Bậc thứ 3 sẽ tính cao hẳn lên dành cho những người tiêu dùng quá nhiều điện.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính