Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sắp diễn ra Hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 11 Khu vực CLV

Theo TTXVN
Chia sẻ Zalo

Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến Hội nghị Ủy ban điều phối chung lần thứ 11 Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam và các hoạt động liên quan sẽ diễn ra tại Bình Phước từ ngày 16-19/12.

Trong khuôn khổ Hội nghị sẽ diễn ra Hội chợ Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam; Diễn đàn thanh niên khu vực lần thứ 7.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen (bên phải) và Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith (bên trái). (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Các đại biểu sẽ tham dự Hội nghị bốn Tiểu ban bao gồm Hội nghị tiểu ban kinh tế lần thứ 10, Hội nghị tiểu ban An ninh-Đối ngoại lần thứ 10, Hội nghị tiểu ban môi trường-xã hội lần thứ 8, Hội nghị tiểu ban địa phương lần thứ 9 và họp nhóm công tác hoàn thiện kế hoạch hành động Kết nối ba nền kinh tế đến năm 2030.
Dự kiến, Diễn đàn Xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch khu vực lần thứ 11 sẽ diễn ra vào ngày 18/12, Hội nghị quan chức cấp cao và Hội nghị Ủy ban điều phối chung khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 11 sẽ diễn ra vào ngày 19/12.
Bình Phước là tỉnh thuộc vùng chuyển tiếp của Tây Nguyên với miền Đông Nam bộ, có vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên, khoáng sản phong phú, an ninh, chính trị ổn định. Bình Phước được xem là thị trường tiềm năng và là cầu nối quan trọng của vùng với Campuchia, Lào, Thái Lan và khu vực Tây Nguyên của Việt Nam với trên 260km đường biên, một cửa khẩu quốc tế và hai cửa khẩu quốc gia, cách thành phố Hồ Chí Minh 110km, có độ cao trung bình trên 50m so với mặt nước biển.
Trong quy hoạch, tuyến đường sắt xuyên Á đi qua tỉnh Bình Phước (Sài Gòn-Lộc Ninh) với 114km, nối 28 quốc gia, được đánh giá là một trong những dự án giao thông chủ yếu của ASEAN nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, văn hóa và du lịch của các nước trong khu vực.
Ngoài tuyến đường sắt xuyên Á còn có tuyến đường sắt nối Bình Phước và cảng biển ở khu vực Bà Rịa-Vũng Tàu, kết nối thêm tới Đắk Nông nhằm giải quyết nhu cầu vận chuyển khoáng sản và nông, lâm sản từ Bình Phước xuống các cảng biển ở Đông Nam bộ phục vụ xuất khẩu.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng năm 2017, Bình Phước đã cấp mới đầu tư cho 16 dự án với số vốn đăng ký cấp mới là 346,47 triệu USD, nâng tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của tỉnh là 473,39 triệu USD, đứng thứ 14/59 địa phương có đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.