Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sắp lễ trong cúng Rằm tháng Bảy thế nào cho đúng?

Thời Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào dịp Rằm tháng Bảy (âm lịch), các gia đình thường dâng lễ lên ban thờ cúng cho những chân linh gia tiên được siêu thoát. Nhưng việc chuẩn bị mâm cỗ cúng rằm tháng Bảy thế nào cho đúng là điều mà không phải ai cũng hiểu được tường tận.

Theo giáo lý nhà Phật, cúng Rằm tháng Bảy là Tết Trung Nguyên, hay theo dân gian gọi là Lễ Vu Lan báo hiếu. Ngày nay, nhiều người do bận công việc nên có gia đình gửi lễ vào chùa nhờ nhà chùa làm giúp. Nhưng vẫn còn khá nhiều gia đình vẫn giữ nếp xưa cúng Rằm tháng Bảy tại nhà. Phóng viên đã trao đổi với một số sư thầy và thầy pháp, được biết: Dù là theo lễ nghi nhà Phật, hay tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt thì việc cúng Rằm tháng Bảy ở mỗi gia đình đều có 4 lễ, gồm: Lễ Phật, lễ thần linh (thổ công), lễ gia tiên, và lễ thí thực (cúng chúng sinh). Với mỗi 1 lễ cúng đều mang một ý nghĩa khác nhau, do đó việc sắp lễ cũng khác nhau.
 Lễ dâng lên Phật có thể chỉ là một đĩa ngũ quả. Nếu có điều kiện có thể sắm thêm mâm cơm chay.
- Lễ Phật: Chỉ cần một đĩa trái cây ngũ quả và hoa tươi có thể dâng lễ Phật. Nếu gia đình nào có điều kiện hơn thì sắp thêm mâm xôi và chè, gồm: 1 đĩa xôi và 5 bát chè. Gia đình có điều kiện nữa thì sắp mâm cơm chay cúng dường Phật. Khi làm lễ Phật tại nhà tốt nhất là đọc một khoá Kinh Vu Lan để hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu sinh.

- Lễ cúng thần linh (thổ công) tại nhà: Mỗi gia đình đều có một vị thần linh hay còn gọi thổ công cai quản diện tích đất của căn hộ đó. Theo tục lệ cổ truyền của dân tộc, trong Lễ Vu Lan người ta sắp lễ cúng thần linh để tạ ơn vị thần cai quản đất đai cho gia đình được bình an. Lễ cúng chỉ cần 1 con gà trống luộc để nguyên con, 1 đĩa xôi và rượu. Đồ mã là một ông ngựa đỏ.
 Lễ thần linh là gà nguyên con và xôi, rượu.
- Lễ gia tiên: Ngày Rằm tháng Bảy, theo tín ngưỡng dân gian còn gọi là ngày mở cửa ngục, các vong nhân được xá tội về với gia đình. Con cháu làm mâm cơm, canh như ngày thường trong gia đình ăn món gì có thể cúng món đó.

Trong ngày cúng xá tội vong nhân, người mất được hoan hỉ về với gia đình con cháu, vì thế nhiều người đã mua biếu quần áo, giày dép, các vật dụng sử dụng trong gia đình. Con cháu cầu chúc cho chân linh an lạc và độ trì cho mọi người gặp nhiều may mắn, hạnh phúc và phồn vinh.
 Một mâm cơm, canh đơn giản cũng đủ đầy tình cảm của cháu con dâng lên gia tiên trong Tết Trung Nguyên.
- Lễ chúng sinh: Cả năm chỉ có dịp Lễ Vu Lan mới có Lễ cúng Cô Hồn (cúng chúng sinh). Theo tục lệ cổ truyền của dân tộc, ngày Lễ Vu Lan là ngày mở cửa ngục, các vong nhân được xá tội về với gia đình, nhưng cũng có chân linh không nhà, không cửa, chết dọc đường do nhiều nguyên nhân mà không người thân đến nhận. Các vong linh lang thang khắp nơi và tìm vào các gia đình nương tựa xin bố thí.

Do vậy, trong dịp Lễ Vu Lan nhiều gia đình đã làm Lễ cúng chúng sinh, hay (Lễ Xá tội vong nhân, Lễ cúng Cô Hồn, Lễ Thí thực). Là Lễ Thí thực, trong lễ này chỉ cần mua ít khoai, ngô, sắn, bỏng lẻ, bánh, kẹo (không có túi), trái cây lại nhỏ không cành, cháo hoa, muối, tiền vàng, quần áo dâng lễ cho những chúng sinh không nơi nương tựa khi ra khỏi cửa ngục. Cầu xin cho họ được siêu thoát và độ trì cho gia đình bình an. Trong quan niệm dân gian, Lễ Thí thực cho người mất dưới âm phủ cũng giống việc làm từ thiện ở trên trần gian, đó là đạo lý tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Lễ ngày Rằm tháng Bảy không nhất thiết phải làm lớn, cầu kỳ sính lễ mà tùy thuộc vào điều kiện của mỗi gia đình. Chỉ cần sắp lễ đúng, nhất tâm phụng thỉnh là thể hiện sự tôn kính với Phật pháp, thần linh, gia tiên và giữ được nét đẹp trong văn hóa truyền thống của mỗi gia đình Việt.