Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sáp nhập 2 Sở Giao dịch chứng khoán: Cần hay không?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - “Chủ trương sáp nhập 2 Sở Giao dịch chứng khoán (HOSE và HNX) mới được Bộ Tài chính nêu ra trong một cuộc họp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và yêu cầu cơ quan này xây dựng đề án” - Tổng Giám đốc Sở GDCK TP. HCM Trần Đắc Sinh, cho biết như vậy khi trao đổi với báo chí mới đây.

Thông tin này ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư bởi hiện nay TTCK Việt Nam đang rất lộn xộn với sự cạnh tranh ngầm từ hai Sở giao dịch.

Theo ông Sinh, hiện chưa có văn bản nào chính thức chỉ đạo cụ thể về định hướng sáp nhập 2 Sở này tại Việt Nam, mà mới ở mức xây dựng đề án ban đầu. Theo ông này, hiện HOSE có giá trị vốn hóa trên 80% TTCK Việt Nam (545.000 tỷ đồng), gần 20% còn lại là vốn hóa tại sàn Hà Nội (96.000 tỷ đồng).

Chuyện sáp nhập các Sở GDCK trên thế giới không phải chuyện mới mẻ nhưng tại Việt Nam, đây là vấn đề khá tế nhị. Hiện nay trên cả hai sàn đều có doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ, vô hình trung dẫn đến một sự cạnh tranh không cần thiết, và cần được chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế. Đơn cử Mỹ có sàn Down Jones, Nasdaq với mỗi tiêu chuẩn khác biệt trên mỗi sàn, nhìn vào đó người ta biết "khẩu vị" của nhà đầu tư ở từng phân khúc.

Tính đến ngày 26/10, trên cả hai sàn có 696 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết, trong đó 303 cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE, sàn HNX là 393 mã. Theo dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán, vốn điều lệ tối thiểu đối với DN niêm yết tại HNX được nâng từ 10 tỷ đồng hiện tại lên 30 tỷ đồng. Doanh nghiệp muốn lên sàn TP. HCM phải có ít nhất 120 tỷ đồng, thay vì mức 80 tỷ đồng hiện nay…

Việc hợp nhất các Sở GDCK Việt Nam không phải ý tưởng mới mà đã được nhắc đến nhiều lần. Trong một dự thảo tờ trình của UBCK với Bộ Tài chính từng đề cập khá kỹ vấn đề này. Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán sửa đổi bổ sung (có hiệu lực từ 1/7/2011) dự kiến sẽ phân cấp TTCK Việt Nam theo từng bảng từ I đến IV. Đối với bảng I, điều kiện niêm yết áp dụng đối với tổ chức đăng ký phải có vốn điều lệ thực góp theo giá trị ghi trên sổ kế toán từ 150 tỷ đồng trở lên, hoạt động kinh doanh 3 năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi với tỷ lệ ROE (lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) tối thiểu là 5% và không có lỗ lũy kế tính; không có các khoản nợ quá hạn chưa được dự phòng theo quy định của pháp luật; tối thiểu 20% cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 500 cổ đông không phải là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp, cổ đông lớn nắm giữ.

Đối với bảng II, điều kiện niêm yết chứng khoán áp dụng đối với tổ chức đăng ký niêm yết có vốn điều lệ thực góp tại thời điểm đăng ký niêm yết từ 80 tỷ đồng đến dưới 150 tỷ đồng tính theo giá trị ghi trên sổ kế toán. ROE năm liền trước năm đăng ký niêm yết là 5%; cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty do ít nhất 300 cổ đông nắm giữ…Điều kiện niêm yết tại bảng IV áp dụng đối với niêm yết trái phiếu chính phủ, niêm yết trái phiếu DN. Điều kiện đăng ký giao dịch trên UPCoM duy trì như hiện nay.

Theo mô hình của nhiều nước phát triển thì họ chỉ có một Sở giao dịch chứng khoán và quản lý nhiều thị trường. Tập trung một đầu mối quản lý như vậy giúp các chính sách được thực hiện nhất quán, công bằng và quan trọng nhất là tạo ra trật tự trên thị trường, tránh tình trạng lộn xộn, mạnh ai nấy chạy như hiện nay. Tại Việt Nam đã có không ít doanh nghiệp suy bì về sự khác nhau, về những quy định chồng chéo giữa hai Sở. Cùng với quyết tâm tái cấu trúc nền kinh tế của Chính phủ, có lẽ TTCK Việt Nam cũng cần một giải pháp mạnh để tái cấu trúc và chấn chỉnh sự lộn xộn hiện nay, trả đúng ý nghĩa kênh huy động vốn trung dài hạn cho nền kinh tế.