Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã: Cân nhắc phù hợp đặc thù từng địa phương

Linh Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến xây dựng “Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã từ nay đến năm 2021”, được đa số đánh giá phù hợp xu thế tất yếu hiện nay. Song, nhiều ý kiến cũng cho rằng, cách sắp xếp thế nào cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và có bước đi thận trọng, bài bản để đạt hiệu quả cao nhất.

Cán bộ xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Yêu cầu cấp thiết
Thống kế mới nhất, cả nước có 713 quận, huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh và 11.162 xã, phường, thị trấn. Đối chiếu quy định của UBTV Quốc hội, hiện có hơn 200 huyện, trên 6.000 xã có một trong hai tiêu chí diện tích hoặc dân số chưa đạt 50%; 16 quận, huyện và 637 xã, phường, thị trấn có cả hai yếu tố chưa đạt 50% so với tiêu chuẩn. Từ đó, Bộ Nội vụ đề xuất trong 3 năm tới sẽ sắp xếp lại 16 quận, huyện và 637 xã, phường, thị trấn chưa đạt 50% tiêu chuẩn diện tích và dân số. Từ năm 2021, xét đến các huyện, xã không đủ tiêu chuẩn còn lại với tổng số hơn 5.000 đơn vị.

Lãnh đạo Bộ nhận định, việc tồn tại các huyện, xã thiếu tiêu chuẩn sẽ không phù hợp yêu cầu đẩy mạnh CCHC, xây dựng chính quyền điện tử, tiết kiệm chi tiêu công, phát triển kinh tế, dẫn đến phân tán nguồn lực của địa phương; cũng khiến cơ cấu bộ máy chính quyền địa phương tăng tương ứng, dẫn đến tăng biên chế, trụ sở và cả gánh nặng ngân sách. Do đó, sắp xếp lại các đơn vị cấp huyện, xã là yêu cầu cấp thiết, với căn cứ chính là quy mô dân số, diện tích tự nhiên và các yếu tố đặc thù như phong tục, lịch sử, vùng miền, điều kiện tự nhiên…

Tránh máy móc

Góp ý vào Đề án này, nhiều ý kiến cho rằng, việc sắp xếp cần tránh máy móc theo hướng chỉ dựa vào tiêu chí dân số và diện tích tự nhiên. Ví dụ ở Hà Nội, nhiều quận chỉ rộng khoảng 10km2 nhưng rất đông dân, nếu sáp nhập nữa có thể quá tải trong quản lý. Cần nghiên cứu sâu 6 yếu tố cấu thành đơn vị hành chính, nhất là phong tục tập quán, bởi TP có 30 quận, huyện, thị xã; 584 xã, phường, thị trấn thì hầu hết không đạt về diện tích.

Riêng tiêu chí diện tích thì nên phân biệt giữa vùng xuôi và vùng núi. Nhiều xã miền núi mỗi nhà một quả đồi, nếu ghép mấy xã thì hàng trăm quả đồi, giao thông lại khó khăn, nên sẽ rất khó nắm sát tình hình người dân.

Còn với đô thị, khi sáp nhập, công việc nhiều hơn nhưng tính chất việc giống nhau nên dân cư dù đông vẫn có thể quản lý được, với điều kiện lãnh đạo từ cấp cao đến cơ sở phải đồng lòng quyết liệt, tăng tuyên truyền, tạo đồng thuận trong người dân. Chính vì thế nghiên cứu đặc thù nhưng cũng không nên có quá nhiều ngoại lệ, sẽ nảy sinh xin - cho và nhờn luật.

Nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An
Trao đổi với báo Kinh tế&Đô thị, đa số cán bộ cơ sở đề nghị lưu ý đặc thù từng địa phương. Phó Trưởng phòng Nội vụ quận Hai Bà Trưng Lưu Xuân Trịch dẫn chứng: Cũng như 3 quận “lõi” khác của TP, xét về quy mô dân số, quận Hai Bà Trưng thừa so với tiêu chuẩn, song diện tích thì thiếu (chỉ rộng 10km2), và hầu như không phường nào đáp ứng. Trong khi, nếu sáp nhập quận vào đơn vị khác để thành một đơn vị hành chính lớn hơn thì khối lượng công việc sẽ rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giải quyết TTHC. Vì vậy, Nhà nước cần nghiên cứu những vấn đề liên quan đến loại hình đô thị đặc biệt như Hà Nội, nhất là những lĩnh vực phục vụ nhu cầu lớn của công dân như trật tự đô thị, GPMB, giải quyết TTHC...

Hay tại huyện Hoài Đức, có những xã như An Khánh gần 30.000 dân với rất nhiều thôn, trong khi xã Đắc Sở chỉ hơn 4.500 dân, chỉ bằng hơn nửa dân số thôn Ngãi Cầu của xã An Khánh. Chênh lệch diện tích, dân số giữa các xã rất lớn. “Sắp xếp cần tính kỹ các tiêu chí cụ thể để phù hợp đặc thù từng địa bàn, quy hoạch khu đô thị ”- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức) Bùi Thế Gia kiến nghị.

Hoặc tại những phường vốn được chuyển từ xã lên như ở Hoàng Mai, Bí thư Đảng ủy phường Thanh Trì Vương Thị Mai Hương nhận định: Tại nhiều xã, phường để thực hiện đề án theo lộ trình đưa ra là tương đối khó. Hoàng Mai không có phường nào đạt cả 2 tiêu chí diện tích và dân số, ngay Thanh Trì là phường lớn thứ hai cũng chỉ rộng bằng hơn nửa so với tiêu chuẩn. Hay phường Mai Động chưa đầy 1km2 nhưng có hơn 45.000 dân, nếu sáp nhập việc quản lý sẽ rất phức tạp.
 Công chức bộ phận Một cửa phường Đội Cấn (quận Ba Đình) giải quyết TTHC cho công dân

Mục tiêu cao nhất là lợi ích của người dân

Theo nhiều lãnh đạo xã, phường, khi sáp nhập các đơn vị, cái lợi rất lớn. Đơn cử như ngân sách được hạn chế chi cho lương. Phần ngân sách này sẽ đầu tư nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng. Song, để làm được, rất cần thời gian dài, không thể theo lộ trình mà Bộ Nội vụ đưa ra. Quan trọng hơn, trước khi sắp xếp lại, rất cần tính đến lợi ích cũng như phải xin ý kiến người dân.
Thực tế tại nhiều địa phương, lãnh đạo ở cơ sở chia sẻ: Tâm lý đa số người dân muốn giữ mãi một đơn vị hành chính hiện nay với những phong tục tập quán đã “ăn sâu bám rễ” hàng ngày. Nên cần tuyên truyền để họ thấy được chủ trương đúng, những lợi ích to lớn mình sẽ được hưởng. Bí thư Đảng ủy phường Thanh Trì Vương Thị Mai Hương cũng đề xuất: Nên thí điểm thực hiện trước tại một số đơn vị, thấy hợp lý mới nhân rộng ra sẽ đảm bảo tính hiệu quả. Nếu cần thì sáp nhập những phường gần nhau, lại cùng đặc thù…
Ông Lưu Xuân Trịch cũng cho rằng, mục đích cuối cùng của việc sắp xếp là đơn vị sau sáp nhập phải hoạt động tốt hơn và chất lượng phục vụ người dân phải được nâng lên. Đây là việc khó nhất, nên cần làm thí điểm theo từng địa bàn rồi mới nhân rộng.

Lãnh đạo Bộ Nội vụ cũng nhận định, bố trí đội ngũ là vấn đề phức tạp nhất quyết định thành công của đề án, nhiều giải pháp đang được nghiên cứu để đưa ra cách làm phù hợp nhất. Về vấn đề này, nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng: Khi sáp nhập, một số cán bộ không được bổ nhiệm lại nên xáo trộn tâm lý. Tuy nhiên, nếu không dứt khoát làm, bộ máy sẽ vẫn phình ra. Quan trọng nhất là chọn được người đứng đầu đơn vị sau sáp nhập đủ phẩm chất, năng lực.

Cần tăng định biên cho các đơn vị sau sáp nhập để đáp ứng công việc do quy mô và yêu cầu quản lý tăng lên. Định biên cho đơn vị mới không tăng bằng cách cộng cơ học định biên hai bộ máy, nhưng ít nhất phải lớn hơn đơn vị hiện tại, lại phải phù hợp. Như vậy mới tránh quá tải công việc, ảnh hưởng đến chất lượng quản lý điều hành và phục vụ người dân của cơ quan Nhà nước.

Phó Trưởng phòng Nội vụ quận Hai Bà Trưng Lưu Xuân Trịch

Sắp xếp lại các xã ở nông thôn cũng có những mặt chưa phù hợp do quản lý sẽ phức tạp hơn, chủ yếu do tâm lý người dân. Bởi, sẽ phát sinh những yếu tố liên quan đến “màu cờ sắc áo”, dù đoàn kết đến mấy thì cộng đồng cũng sẽ phân thành hai phía khi triển khai công tác bầu cử hay những công việc khác.

Nên trước khi sắp xếp lại, các cấp ngay từ giờ cần chú trọng tuyên truyền tận địa bàn dân cư, lấy ý kiến người dân, để xem có những người không đồng thuận vì lý do gì để chúng ta điều chỉnh phù hợp, chỉ đạo quyết liệt, tiếp tục tuyên truyền và làm thí điểm trước khi thực hiện chính thức.

Chủ tịch UBND xã Tốt Động (huyện Chương Mỹ) Nguyễn Trọng Trận