Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sắp xếp thôn, tổ dân phố: Đảm bảo tiến độ song cần thận trọng, đúng quy định

Linh Nguyễn - Trần Long (ảnh: Thanh Hải)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Thảo luận về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng, thu chi ngân sách 9 tháng qua của TP, tại Hội nghị lần thứ 20 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI sáng nay (15/10), nhiều ý kiến đề nghị giải quyết khó khăn tại cơ sở trong triển khai các chủ trương chính sách, đề án của TP như về thủ tục đầu tư, phòng cháy chữa cháy, thu ngân sách, thành lập cụm CN, sắp xếp lại thôn, tổ dân phố...

Nhiều khó khăn trong triển khai các dự án; sắp xếp thôn, tổ dân phố
Đáng chú ý, đề cập đến việc sắp xếp bố trí kiêm nhiệm các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; sáp nhập, thành lập mới các thôn, tổ dân phố, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, sắp xếp bố trí kiêm nhiệm các chức danh từ hoạt động thôi không chuyên trách cấp xã, thôn, tổ dân phố; giải thể chi bộ cơ quan phường đưa về sinh hoạt tại chi bộ tổ dân phố, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho hay: Các quận mong muốn được tiến hành các công việc này một cách đồng bộ, vì tại quận còn có khái niệm “địa bàn dân cư”, với hơn 92% tổ có quy mô dưới 100 hộ/tổ. Trong khi đối chiếu với quy định của TP, mỗi tổ sau sáp nhập phải có quy mô trên 250 hộ, còn theo Thông tư 14 của Bộ Nội vụ thì tối thiểu mỗi tổ phải có 450 hộ, trong đó các tổ đạt tối thiểu 50% tiêu chí này thì phải sáp nhập - như vậy Hoàn Kiếm có hơn 92% tổ sẽ phải sáp nhập, bỏ hết các khu dân cư đã có tồn tại lịch sử.
“Do đó, trước thềm đại hội đảng các cấp, Ban Tổ chức Thành ủy và Sở Nội vụ cần có hướng dẫn cụ thể để quận triển khai theo một phương án thống nhất, cấu trúc lại kể cả chi bộ, cán bộ không chuyên trách, giải thể chi bộ cơ quan phường..., tránh tình trạng có tổ làm có tổ không làm, đồng thời còn cần thích ứng với triển khai đề án chính quyền đô thị. Quận đang xây dựng phương án từ 696 tổ về khoảng 170 tổ, trong đó chủ yếu cũng chỉ đáp ứng 50% theo tiêu chí trong Thông tư của Bộ Nội vụ”, ông Dương Đức Tuấn nói.
 Bí thư Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Đức Vinh tham luận
Đại diện lãnh đạo quận Hoàng Mai với đặc thù số dân vào loại đông nhất TP, Bí thư Quận ủy Nguyễn Đức Vinh đề nghị Sở TN&MT và các sở chỉ đạo tập trung tính nghĩa vụ tài chính với 5 dự án còn tồn tại tại quận, bởi đều có quyết định của TP từ mấy năm rồi song triển khai công tác này rất chậm, đồng thời đều đã GPMB xong nhưng chưa có quyết định giao đất. Tại quận còn có một dự án của Công ty Tân Hoàng Minh, đề nghị sở, ngành giao quận kêu gọi đầu tư đấu giá làm hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt, TP cần chỉ đạo cân nhắc giao cho quận làm chủ đầu tư các dự án trường học trên địa bàn hiện do Tổng Công ty ĐTPT nhà và đô thị (HUD) đảm nhiệm, bởi mỗi năm quận tăng tới 6.000 học sinh, nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ TP giao.
Đến từ một địa bàn ngoại thành, Bí thư Huyện ủy Quốc Oai Nguyễn Văn Thọ chia sẻ, địa phương đã được công nhận huyện nông thôn mới, nhưng vẫn mong TP và các ngành quan tâm hơn để huyện đạt nông thôn mới nâng cao. Thể hiện quyết tâm khắc phục những tồn tại tại huyện, đồng chí cũng kiến nghị TP chỉ đạo doanh nghiệp làm nốt mạng lưới nước sạch tại các xã còn lại của huyện cho đủ tiêu chí nông thôn mới nâng cao; đẩy nhanh tiến độ khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc, bởi một số dự án của huyện liên quan khu đô thị này đang không triển khai được; phân cấp về thủy lợi theo Quyết định 41 cần xem xét lại cho thấu đáo. Đồng thời, để giải quyết dứt điểm những phức tạp liên quan dự án sinh thái Đồng Quang, đề nghị Thanh tra TP sớm có kết luận giúp huyện giải quyết trước Đại hội, nhất là xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan đến đất dịch vụ.
Nhiều quận, huyện đã trình phương án sắp xếp thôn, tổ dân phố
Trong phần tham luận của lãnh đạo các sở, ngành, đáng lưu ý theo Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng, quý IV diễn ra Tháng Khuyến mãi sẽ giúp đẩy mạnh chỉ số thương mại-dịch vụ của TP, nên các quận, huyện cần tập trung chỉ đạo địa phương tham gia. Về kế hoạch chuẩn bị hàng Tết cho Nhân dân Thủ đô, còn một nửa số quận, huyện chưa xây dựng kế hoạch, cần quan tâm thực hiện. Hơn nữa, về việc cung cấp thực phẩm cho người dân, do năm nay có dịch tả lợn, nên các quận, huyện cần tăng cường đưa hàng thủy sản, thịt gia cầm vào thị trường, song song với tổ chức phân phối cho tốt. Liên quan đến sản xuất công nghiệp, Giám đốc Sở đề nghị TP và các sở, ngành quan tâm tháo gỡ khó khăn bằng các giải pháp trước mắt lẫn lâu dài cho các DN; thực hiện đầu tư mở rộng cho sản xuất công nghiệp, trong đó các huyện tập trung chỉ đạo phê duyệt quy hoạch chi tiết các cụm CN còn lại. Năm nay TP sẽ có tối thiểu 29 cụm CN, công tác chỉ đạo rất khó khăn, nên cần tập trung quyết liệt để có mặt bằng ổn định cho DN.
Giám đốc Sở TNMT Nguyễn Trọng Đông cho hay, trong việc giao đất dịch vụ, tồn tại còn chủ yếu ở huyện Mê Linh, Hoài Đức và quận Hà Đông, trong khi đất đã có hạ tầng kỹ thuật, nên đề nghị các địa phương đẩy nhanh giao đất từ nay đến cuối năm. Liên quan đến đất tôn giáo, ngoài huyện Thanh Oai, Thanh Trì làm tốt việc cấp giấy chứng nhận cho các tổ chức tôn giáo tín ngưỡng, còn lại các quận, huyện khác cần đẩy nhanh việc này.
Đặc biệt, theo Giám đốc Công an TP Đoàn Duy Khương, từ đầu năm đến nay trong công tác đảm bảo an ninh trật tự tại TP, các vụ trọng án khi xảy ra hầu hết được điều tra khám phá rất nhanh, nhưng có mặt trái là chỉ tiêng trong thời gian từ 14/8-13/10 trên địa bàn xảy ra tới 17 vụ giết người làm 19 người chết, thậm chí có hành vi man rợ với chính thân nhân của mình. Do đó, Thường trực Thành ủy cần chỉ đạo, quán triệt các quận huyện tăng cường công tác an ninh trật tự, góp phần có một Thủ đô thực sự bình yên, nhất là trong thời điểm cuối năm chuẩn bị cho Tết Nguyên đán và tổ chức đại hội Đảng các cấp. Cũng theo Giám đốc Công an TP, triển khai việc đưa công an chính quy xuống đảm nhiệm chức danh công an xã, Công an TP đã bám sát đề án của T.Ư, trong đó đề án của Công an TP đã được phê duyệt, triển khai rất bài bản, nhất là với những xã cần triển khai từng bước thì đều mời chủ tịch xã lên quán triệt tại hội nghị, giao Trưởng công an xã báo cáo Thường trực Huyện ủy. “Chúng tôi sẽ đảm bảo về con người trong công tác này, song đề nghị các huyện thực hiện đúng chức năng, trong đó chủ động điều động những trưởng công an xã hiện nay, với các công an viên thì vẫn hưởng chế độ bình thường từ kinh phí của xã. Rất mong nhận được phối hợp của các bí thư, chủ tịch huyện tại các xã đang và sẽ phải triển khai công tác này”, ông Đoàn Duy Khương nhấn mạnh.
 Toàn cảnh Hội nghị
Đáng chú ý, Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà trả lời ý kiến liên quan việc tổ chức sắp xếp lại thôn, tổ dân phố cho hay: Thực hiện kế hoạch 109 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục thực hiện Đề án 06, TP đã giao rà soát quy mô các thôn, tổ dân phố; đồng thời Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 14 có một số nội dung mới điều chỉnh, TP cũng đã tổ chức hội nghị triển khai. Trong đó, sự thay đổi lớn nhất là quy mô tổ dân phố khi thành lập mới được quy định phải có tối thiểu 450 hộ, thôn là 300 hộ, từ đó sẽ sáp nhập các tổ, thôn đạt dưới 50% tiêu chí này theo quy định. UBND TP đã ban hành Quyết định 16 thay thế Quyết định 50, Đề án 5241 nêu rõ cách thức, nguyên tắc, lộ trình sắp xếp các thôn, tổ dân phố; Bí thư Thành ủy cũng đã chủ trì hội nghị triển khai các nội dung công tác sắp xếp này.
“Tại TP hiện nay, số thôn có dưới 150 hộ chiếm 10,9%, trong khi tới 74,1%tổ dân phố có dưới 225 hộ. Sở Nội vụ đã ban hành hướng dẫn chi tiết, trong quá trình triển khai các quận, huyện, xã phường cần làm thận trọng từng bước. Dự kiến vào kỳ họp cuối năm, TP sẽ trình phương án tổng thể trên cơ sở các phương án quận, huyện gửi lên. TP cũng đã chỉ đạo rõ, với những địa bàn đặc thù có quy mô hộ dân chưa đạt theo tiêu chí thì tạm thời giữ nguyên. Triển khai chính thức ngày 27/9, theo lộ trình chậm nhất đến 10/11 các quận, huyện phải gửi phương án về Sở Nội vụ; đến nay Sở đã nhận được các phương án hoàn thiện của quận Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, huyện Thạch Thất, Phú Xuyên; các quận huyện khác cần đẩy nhanh”, bà Vũ Thu Hà thông tin.
Bên cạnh đó, đại diện Cục Thuế phản ánh, kết quả thu từ đất của TP 9 tháng mới đạt 51,3% dự toán, song khoản thu từ khu vực sản xuất kinh doanh tăng trưởng tốt (tăng 18% so với cùng kỳ) và dự kiến cả năm nay tăng 15% so với năm ngoái. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn 12/30 quận huyện đang khó khăn về các khoản thu từ đất, nên rất cần có sự tích cực phối hợp giữa quận, huyện, đơn vị liên quan trong xác định các nguồn thu này; rà soát tính toán kỹ các nguồn thu để dự toán thu năm 2020 từ đất sát tình hình thực tế. Đại diện cơ quan này cũng cho hay, nhằm cải thiện chi phí và thời gian tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế, Cục đang triển khai đề án hệ thống đặt lịch trực tuyến của các DN, người nộp thuế và phối hợp các quận, huyện, sở, ngành mở rộng hình thức thanh toán điện tử.
Về quy hoạch phân khu thị xã Sơn Tây, đã giao Tập đoàn TNT song triển khai chưa đáp ứng yêu cầu, nên TP đã giao Sở QH-KT đốc thúc thực hiện. Về dự án Khu đô thị Hòa Lạc, TP đã trình Chính phủ, lấy ý kiến các bộ ngành; Bộ Xây dựng đang thẩm định để tổng hợp cho Chính phủ phê duyệt, nên khu sẽ được phê duyệt trong năm 2019. Nhất là với công tác cải tạo chung cư cũ còn chậm, trong đó có nguyên nhân liên quan đến cơ chế chính sách, TP đã giao Sở Xây dựng xây dựng Đề án, Bộ Xây dựng cũng đang tích cực phối hợp, từ đó đã đưa ra được 12 chính sách đặc thù cho TP, nên hứa hẹn sẽ đẩy nhanh công tác này trong thời gian tới. Dù vậy, TP đã chỉ đạo với chung cư cũ độ C, D thì vẫn tập trung cải tạo.
Liên quan đến địa bàn quận Hai Bà Trưng, với dự án đường Võ Thị Sáu, TP đã quyết định thôi triển khai dự án này theo hình thức BT và giao lại theo ngân sách, TP sẽ giải quyết theo đề nghị của quận và các ngành. Về xác định các chỉ giới tương đối khó khăn, quận cần hỗ trợ các đơn vị tư vấn để giúp việc lấy ý kiến các hộ dân thành công. Về các dự án trường học của HUD cũng như các dự án khác tại Hoàng Mai, TP giao các sở liên quan kiểm tra lại. Về công tác đầu tư trường học tại các quận nội thành đúng là đang gặp nhiều vướng mắc do các quy chuẩn của Bộ Xây dựng, về trình tự thủ tục đầu tư XDCB. Chính phủ đang chỉ đạo tháo gỡ, song các chủ đầu tư, các cấp, ngành tại TP cần chủ động, tích cực phối hợp; TP phấn đấu cuối năm giải ngân đầu tư XDCB đạt 80%, sẽ đôn đốc các chủ đầu tư. Về y tế, môi trường, khám chữa bệnh tại các khu vực vị ảnh hưởng của dự án xử lý chất thải, TP cũng sẽ nghiên cứu hỗ trợ, nhưng các địa phương cần có giải thích thấu đáo trước các ý kiến của người dân, chủ động giải quyết và xin ý kiến nếu vượt thẩm quyền, tránh gây bức xúc tạo thành điểm nóng. (Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng).