Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sau 6 tháng, CPI tăng 1,38%

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 6 (CPI) tăng 0,3% so với tháng 5. So với cùng kỳ năm ngoái, mặt bằng giá tăng 4,98%.

Mức tăng này đã khiến CPI trong 6 tháng qua nhích nhẹ 1,38% (so với tháng 12/2013) và tăng 4,77% so với bình quân cùng kỳ năm 2013.

Dù vậy, trong tháng này có tới 10 trong tổng số 11 nhóm hàng thuộc rổ tính CPI tăng giá, với mức tăng từ 0,01%-0,74%. Tốc độ tăng CPI cũng đã cao hơn so với các tháng trước đây.

Theo đó, trong các nhóm hàng này, tăng cao nhất là thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,74%, còn thấp nhất là giáo dục chỉ tăng 0,01%, trong đó dịch vụ y tế tăng tới 0,87%.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Kế tiếp, nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng, điện, nước và chất đốt có mức tăng mạnh thứ 2 ở mức tăng 0,61% so với tháng trước.

Cùng với tác động của đợt tăng giá hồi tháng 5, giá gas bán lẻ tiếp tục tăng 5-6 nghìn/ bình 12kg từ ngày 1/6 là nguyên nhân chính khiến chỉ số giá nhóm này tăng cao hơn mức tăng của tháng trước. Ngoài ra, do đang vào mùa xây dựng nên giá các loại vật liệu xây dựng cũng biến động nhẹ.

Điểm đáng chú ý là nguyên nhân khiến CPI tăng giá gần đây đều xuất phát từ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm có quyền số cao nhất, với mức tăng tháng sau cao hơn tháng trước, 0,15%; 0,17% và 0,28% tương ứng với các tháng 4, 5 và 6.

Trong nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có diễn biến trái chiều. Mặt hàng lương thực thì giảm giá 0,43%, trong khi thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình tăng. Các nhóm hàng còn lại đều giảm nhẹ dưới 0,3%.

Cụ thể, nhóm giao thông tăng 0,18%. Thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,2%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,22%. Nhóm bưu chính viễn thông giảm nhẹ 0,13%.

Không nằm trong rổ tính CPI, chỉ số giá vàng tháng 6 giảm 0,12% so với tháng trước, trong khi chỉ số giá đô la Mỹ diễn biến ngược chiều, tăng 0,49%.

Trong tháng 6, CPI tại Hà Nội tăng thấp, chỉ 0,08% so với tháng trước, trong khi đó tại TP HCM chỉ số giá tiêu dùng tăng tới 0,58%.