Chủ đề trọng tâm trong cuộc họp của các Ngoại trưởng G7 diễn ra hôm nay (10/4, theo giờ địa phương) ở Hiroshima là vấn đề tranh chấp tại Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực. Trên bàn thảo luận tại Hiroshima cũng có những văn bản liên quan đến Ukraine, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, người tị nạn từ Trung Đông, chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Nội dung kinh tế cũng sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của cuộc họp G7 2 ngày ở Hiroshima.
Lần đầu tiên ngoại trưởng Mỹ đến Hiroshima, 71 năm sau vụ ném bom nguyên tử xuống TP này
làm 140.000 người thiệt mạng.
|
Bên lề Hội nghị, Ngoại trưởng Kerry và người đồng cấp Nhật Bản Fumio Kishida, một người sinh ra ngay tại Hiroshima đã thăm Công viên Hòa Bình ở Hiroshima – nơi tưởng niệm 140.000 nạn nhân của bom nguyên tử Mỹ.
Việc lần đầu tiên một nhà lãnh đạo cấp cao trong chính quyền Washington viếng thăm Hiroshima là một biểu tượng lớn trong quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật. Trước đó, khi được báo chí địa phương đặt câu hỏi về khả năng Ngoại trưởng Mỹ xin lỗi hay bày tỏ ân hận trước những khổ đau đã gieo rắc cho người dân Hiroshima năm nào, ông Kerry không đi sâu vào chi tiết mà nhấn mạnh đến vai trò hàng đầu của Mỹ trong việc kêu gọi quốc tế từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Cụ Sunao Tsuiboi, 90 tuổi, một nạn nhân trực tiếp của quả bom nguyên tử Little Boy thì cho rằng, điều quan trọng không phải là Mỹ có xin lỗi Nhật Bản hay không, mà cái chính là phải làm thế nào để “sai lầm lịch sử đó không bao giờ tái diễn”.
Đến nay, Mỹ chưa từng chính thức lên tiếng xin lỗi Nhật Bản về hai thảm họa ở Hiroshima và Nagasaki ngày 6 và 9/08/1945. Năm 2008 chủ tịch Hạ viện Mỹ bà Nancy Pelosi đã viếng thăm Hiroshima.
Trong hơn 7 thập niên qua, Hiroshima luôn là biểu tượng của hòa bình. Hàng năm, hơn một triệu du khách viếng thăm bảo tàng tưởng niệm nạn nhân Hiroshima.