Kinhtedothi - Sáng 18/9, UBTV Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo giám sát “Kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO)”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực thi các cam kết WTO và hội nhập kinh tế quốc tế nói chung từ năm 2007 đến nay cho thấy một số hạn chế, bất cập và nhiều câu hỏi cần trả lời.
Cần lường trước rủi ro kinh tế và bất bình đẳng xã hội
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, kết quả giám sát cho thấy, hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc gia nhập WTO từ 2007 đã tác động toàn diện đến mọi mặt phát triển của đất nước và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, thu hút nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước đạt được kết quả nổi bật; thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (7,13%); thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng, giá trị xuất khẩu tăng, một số ngành hàng đứng trong tốp đầu của thế giới... “Hội nhập kinh tế mang lại cơ hội tăng thu nhập cho người dân, người lao động. GDP bình quân đầu người năm 2014 đạt 43,4 triệu đồng, gấp 2,93 lần so với năm 2007. Thu nhập, chi tiêu và tiết kiệm bình quân đầu người một tháng tăng so với trước khi gia nhập WTO. Điều này phản ánh đời sống của người dân có sự cải thiện từ sau khi gia nhập WTO” - Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu nhận định.
Tuy nhiên, từ thực tế giám sát cũng chỉ ra, quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng làm tăng khả năng của các rủi ro kinh tế và bất bình đẳng xã hội. Nhà nước cần lường trước các rủi ro và chú ý đến các đối tượng yếu thế trong xã hội. Ngay những số liệu trong Báo cáo giám sát đã cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân năm giai đoạn 2007 - 2014 (thời điểm bắt đầu gia nhập WTO) là 5,94%, thấp hơn so với giai đoạn 2001 - 2006 (7,27%). Tăng trưởng kinh tế chậm lại, thiếu bền vững là do vẫn chủ yếu dựa vào vốn và lao động, trong khi tỷ trọng đóng góp của khoa học và công nghệ trong tăng trưởng thấp hơn nhiều nước khác…
Cùng với đó, hệ thống quy định pháp luật để bảo vệ thị trường nội địa, DN trong nước chậm hình thành, từ các quy định về chống bán phá giá, hàng rào kỹ thuật, chống chuyển giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại… cho đến tăng cường năng lực chuyên môn các cơ quan tư pháp, trọng tài quốc tế trong các tranh chấp quốc tế liên quan đến hàng hóa, DN Việt Nam. Chính sách kinh tế chưa đủ mạnh để tận dụng cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, nhất là chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Cải cách hành chính chưa đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển kinh tế. Chất lượng tăng trưởng và tính bền vững của nền kinh tế còn yếu và chậm cải thiện. Chưa chủ động đề ra giải pháp hạn chế mặt trái của quá trình hội nhập đối với lĩnh vực xã hội, văn hóa và môi trường…
Đánh giá sâu, làm rõ chất lượng tăng trưởng
Cho ý kiến vào báo cáo này, nhiều ý kiến trong UBTV Quốc hội thống nhất khẳng định, sau 8 năm gia nhập WTO, Việt Nam được nhiều hơn mất. Nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng: Báo cáo đánh giá có phần chưa tương xứng với thành quả mà Việt Nam đã đạt được, nhiều thành tựu thể hiện rõ. Không lạc quan quá mức mà cần đánh giá đúng mức. Nhiều nội dung cần phân tích sâu hơn, đặc biệt là những nguyên nhân của hạn chế, bài học rút ra để từ đó có giải pháp cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị, phân tích kết quả đạt được đã thực sự tương xứng với mục tiêu, kỳ vọng khi gia nhập hay chưa? Cùng với đó cần có so sánh với các nước trong khu vực để thấy mức độ mà Việt Nam đạt được so với các nước để thấy được bước đi thành công cũng như nhìn nhận rõ thách thức để vượt qua.
"Đúng là 8 năm qua kinh tế - xã hội nước ta đã có nhiều tiến bộ song cần phải đánh giá xem sự tiến bộ, phát triển có gần lại với sự phát triển các nước đi trước hay khoảng cách ngày càng xa hơn. “Từ đó mới đi vào sâu hơn, làm rõ chất lượng tăng trưởng kinh tế, các yếu tố cấu thành, sức cạnh tranh của nền kinh tế tốt chưa? Nếu làm chưa tốt thì khó giải quyết được bài toán tụt hậu” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và nhận xét: Báo cáo cho thấy nhiều kết quả đạt được cao hơn so với trước khi gia nhập WTO. Tuy nhiên, đó chỉ là “vỏ”, còn về chất lượng và sự bền vững như thế nào cũng cần làm rõ hơn để thấy rõ được thực tế.
Bốc xếp hàng hóa xuất khẩu tại Cảng Hải Phòng. Ảnh: Việt Ý
|
Theo xếp hạng của WTO, xuất, nhập khẩu của Việt Nam hiện tăng so với thời điểm gia nhập WTO. Nếu như xuất khẩu hàng hóa năm 2007 xếp thứ 50, đến năm 2014 Việt Nam đã vươn lên xếp thứ 34; nhập khẩu hàng hóa năm 2007 xếp thứ 41, đến năm 2014 xếp thứ 32. Xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ năm 2007 xếp thứ 59, đến năm 2013 xếp thứ 54. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam đều tăng mạnh... |