Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sau ba năm triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ: Khó nhất là chuẩn hóa giáo viên

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 19/10, Bộ GD&ĐT tổ chức cuộc họp trực tuyến tại 5 điểm cầu: Hà Nội, Thái Nguyên, Đà Nẵng, TP. HCM và Cần Thơ để kiểm điểm lại việc triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020. Sau ba năm triển khai, tại nhiều địa phương, đề án vẫn nằm trên vạch xuất phát.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, trong 3 năm từ 2008 - 2010, Bộ đã xây dựng xong chương trình thí điểm dạy tiếng Anh bậc tiểu học và đang tiến hành xây dựng chương trình tiếng Anh THCS và THPT. Bộ sách giáo khoa tiếng Anh lớp 3 sau một năm thí điểm đã đưa vào áp dụng chính thức. Ngoài ra, các dự án dạy tiếng Pháp, dạy thí điểm tiếng Nhật, Đức đang thực hiện hiệu quả.

Tuy nhiên, điều băn khoăn của nhiều đại biểu là chỉ còn 4 năm để có bước tiến rõ rệt và 9 năm để thanh niên Việt Nam sử dụng tốt ngoại ngữ, nhưng đến nay, điểm xuất phát của đề án còn chơi vơi khi mới có 45/63 tỉnh, thành xây dựng được đề án cụ thể, 18 tỉnh, thành khác vẫn đang nợ. Việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên vẫn là vướng mắc lớn khó vượt qua, bởi trình độ giáo viên còn chênh lệch ở các vùng miền; giáo viên giỏi đang thừa nhưng thiếu người dạy tiếng Anh tiểu học, tỉ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn ngoại ngữ còn rất lớn, phần lớn học sinh có tâm lý học để thi... PGS.TS Đặng Kim Vui (Giám đốc ĐH Thái Nguyên) đề xuất: Muốn chuẩn hóa đội ngũ giáo viên tiếng Anh bậc phổ thông trước hết phải chuẩn hóa được đội ngũ giáo viên tiếng Anh trong các trường ĐH. Dạy ngoại ngữ cần chú trọng thực hành. Giáo viên dạy chuyên ngành cần chuẩn hóa tiếng Anh để dần từng bước tham gia giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính sách đối với giảng viên có tay nghề tham gia đề án cũng là vấn đề cần giải quyết, vì giảng viên ngoại ngữ có cơ hội việc làm bên ngoài khá nhiều, nên không dễ huy động họ tham gia các khóa huấn luyện giáo viên phổ thông, đặc biệt là phải đi xuống các địa phương vùng sâu, vùng xa. Việc điều động sẽ không thuyết phục nếu thiếu các chính sách đi kèm như tăng kinh phí trả cho giờ dạy, có các quyền lợi đi kèm như ưu tiên các vị trí thăng tiến, cử đi đào tạo nước ngoài...

Giai đoạn 2011 - 2015, đề án xác định nhiệm vụ từng bước triển khai đại trà chương trình ngoại ngữ 10 năm ở phổ thông, tăng cường dạy và học ngoại ngữ đối với các cấp bậc, trình độ đào tạo; triển khai dạy môn Toán bằng ngoại ngữ ở khoảng 30% các trường THPT tại các thành phố, đô thị lớn và một số địa bàn trọng điểm…

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, trước hết cần thay đổi tâm lý học ngoại ngữ, vì hiện nay chủ yếu học  để đối phó thi cử. Trong giảng dạy còn nặng về ngữ pháp. Bộ GD&ĐT nên chấm dứt đánh giá trình độ ngoại ngữ theo cách làm truyền thống là A, B, C mà phải theo cách đánh giá theo chuẩn châu Âu là 1, 2, 3. Phó Thủ tướng giao Bộ sớm có hướng dẫn về biên chế giáo viên tiếng Anh trong các trường phổ thông. Giao nhiệm vụ cho các trường đại học có khoa ngoại ngữ xây dựng phương pháp dạy khoa học, thực tiễn hơn. Sớm hình thành hệ thống giáo viên tình nguyện,  giúp các địa phương ở vùng khó khăn. Với 18 địa phương chưa xây dựng đề án dạy ngoại ngữ, chậm nhất quí 1/2012 phải hoàn thành.