Kinhtedothi - Theo Phó giám đốc Sở GTVT Sơn La, cần thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng, kịp thời sửa chữa hệ thống cầu treo.
Ông Lù Văn Bình PGĐ Sở GTVT Sơn La
Để không xảy ra các sự cố tương tự như vụ sập cầu treo ở bản Chu Va 6, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, đồng thời để đảm bảo an toàn cho nhân dân đi lại trên các cầu treo dân sinh, ngành giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Sơn La đã và đang tích cực chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp tích cực.
Phóng viên thường trú tại khu vực Tây Bắc phỏng vấn ông Lù Văn Bình, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Sơn La về nội dung này.
PV: Xin ông cho biết về thực trạng về hệ thống cầu treo dân sinh trên địa bàn tỉnh Sơn La hiện nay?Ông Lù Văn Bình: Sơn La là tỉnh miền núi phía Bắc có địa hình chia cắt mạnh, sông suối nhiều nên trong xây dựng giao thông nông thôn, cầu treo dân sinh đóng một vai trò hết sức quan trọng.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có khoảng trên 300 cầu treo đang khai thác, sử dụng. Trong đó có khoảng 80 cầu do dân tự làm, cột cổng và mặt cầu chủ yếu bằng gỗ và bằng tre, cho nên mức độ khai thác kém.
Trong tổng số trên 300 cầu mới treo chỉ có 11 cầu vừa được đầu tư, xây dựng, sửa chữa đưa vào khai thác trong năm 2013, còn lại đa số cầu đã được khai thác từ rất lâu, cơ bản trên 5 năm và rất nhiều cầu đã khai thác trên 10 năm nên cơ bản đã xuống cấp nhiều.
PV: Sau vụ việc đáng tiếc sập cầu treo Chu Va 6 tại Lai Châu vừa qua, ngành GTVT Sơn La đã chỉ đạo, triển khai các giải pháp gì để các cây cầu treo trên địa bàn sẽ được khai thác đảm bảo an toàn?Ông Lù Văn Bình: Sau khai nghe tin cầu Chu Va 6 tại Lai Châu xảy ra sự cố đứt cáp, sập đổ cầu làm chết nhiều người, với trách nhiệm là cơ quan quản lý chuyên ngành giao thông của tỉnh, Sở GTVT Sơn La đã phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo đề nghị các huyện, các thành phố và các xã khẩn trương rà soát, kiểm tra lại toàn bộ hệ thống cầu treo đang sử dụng để xác định chính xác về tình trạng cầu hiện nay.
Trên cơ sở đó, Sở GTVT Sơn La đã đề xuất giải pháp khắc phục, bổ sung hệ thống biển báo an toàn giao thông và sửa chữa kịp thời các cầu bị hư hỏng. Đối với các dự án đầu tư xây dựng cầu mới, Sở GTVT đã chỉ đạo các huyện yêu cầu các đơn vị tư vấn, đơn vị thi công tuân thủ chặt chẽ quy trình quy phạm thiết kế, thi công và xây dựng quy trình bảo trì, bảo dưỡng nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng.
PV: Chất lượng bền vững của cây cầu phụ thuộc nhiều vào ý thức khai thác, sử dụng của người dân. Trong thời gian tới, ngành GTVT Sơn La sẽ tiếp tục lưu ý việc này ra sao để hệ thống cầu treo trên dịa bàn phát huy hiệu quả tốt nhất?Ông Lù Văn Bình: Theo quy định, cầu tre dân sinh sau khi hoàn thành được giao về xã, về bản quản lý. Trong thực tế, dù đã cố gắng tuyên truyền, hướng dẫn, nhưng ý thức của người dân trong quản lý, bảo trì các cây cầu rất kém, hầu như chỉ biết khai thác mà không có chế độ kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng. Nếu có sửa chữa thì cũng chỉ sửa chữa phần mặt cầu bị hư hỏng, hầu như không có sự kiểm tra phần kết cấu chính như tăng đơ, dây cáp…
Ngoài ra, vốn để giúp dân thực hiện việc bảo trì, sửa chữa công trình hiện nay gần như không có. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Sở GTVT Sơn La sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố các quy trình bảo dưỡng, bảo trì cầu; bổ sung các biển báo, hướng dẫn sử dụng cầu một cách an toàn. Đặc biệt là tuyên truyền cho nhân dân ý thức khai thác cầu theo đúng quy trình, đảm bảo hiệu quả sử dụng một cách an toàn nhất.
PV: Xin cảm ơn ông./.