70 năm giải phóng Thủ đô

Scotland không tách khỏi Vương quốc Anh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 55,3% cử tri Scotland đã bỏ phiếu nói “không với độc lập”, trong khi tỷ lệ cử tri khát khao được ra riêng cũng rất sát sao 44,7%. Với kết quả này, Scotland tiếp tục ở lại Vương quốc Anh, như đã từng tồn tại trong 307 năm qua.

Bản sắc Anh

Không chờ đến khi kết quả kiểm phiếu cuối cùng được công bố, đường phố London đã đông nghịt người đổ ra đường ăn mừng. Còn ở Scotland, không khí buồn vui lẫn lộn vì với những người muốn ở lại Anh đây là ngày chiến thắng, còn với những người muốn độc lập kết quả trưng cầu dân ý đã dập tắt mọi hi vọng của họ.

Số liệu chính thức cho thấy có 2.001.926 cử tri bỏ phiếu ủng hộ việc ở lại Vương quốc Anh, trong khi có 1.617.989 cử tri muốn tách khỏi Vương quốc này. Trong cuộc trưng cầu dân ý lần này, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt mức kỷ lục là 84,6%, vượt qua kỷ lục 84% được ghi nhận trong cuộc tổng tuyển cử Anh năm 1950.
Scotland không tách khỏi Vương quốc Anh - Ảnh 1
Người Scotland bày tỏ cảm xúc về kết quả trưng cầu dân ý ngày 19/9. Ảnh Dailymail.
Lướt qua một loạt các kênh truyền hình và các tờ báo ở Vương Quốc Anh ngày hôm nay, hình ảnh kẻ khóc, người cười ở Scotland đã cho thấy, chiến thắng hay thất bại từ trong lá phiếu của họ cũng đã phải trải qua những thời khắc cạnh tranh gay gắt.

32 khu vực ở Scotland đã hầu như trắng đêm để chờ đợi kết quả. Với những người có quan điểm tách riêng, họ khao khát Scotland được trở thành một quốc gia độc lập, có quyền tự  trị và không bị ảnh hưởng bởi sự chi phối của nền chính trị và kinh tế Vương quốc Anh. Tuy nhiên, dù kết quả cuối cùng, Scotland vẫn ở lại Vương quốc Anh, nhưng tỷ lệ khao khát được độc lập vẫn rất cao và không ai chắc chắn được rằng, sự khát khao độc lập này lại không trỗi dậy một lần nữa.

Suýt xảy ra trận “Đại hồng thủy” ở châu Âu?

Thủ tướng Anh David Cameron đã cam kết trao thêm quyền tự trị cho Scotland và các thành viên khác của vương quốc Anh sau khi cử tri Scotland "nói không với độc lập”.

Thủ tướng Cameron tuyên bố: “Cũng giống như người dân Scotland sẽ có thêm quyền lực quyết định công việc nội bộ của mình, người dân Anh, Wales và Bắc Ireland cũng sẽ có tiếng nói lớn hơn với các vấn đề của mình”. Ông Cameron khẳng định cả thế giới đã lắng nghe nguyện vọng của người Scotland và vấn đề ly khai đã được giải quyết trọn vẹn. Ông kêu gọi toàn vương quốc Anh “thống nhất và tiến về phía trước”.

Ông cho biết chính quyền London sẽ mời đại diện Đảng Dân tộc Scotland (SNP) tham gia các cuộc đàm phán về việc chuyển giao thêm quyền tự trị cho Edinburgh sau khi cử tri Scotland bỏ phiếu phản đối tách khỏi vương quốc Anh. Ngày 19/9, một quan chức cấp cao Liên minh châu Âu (EU) cho biết nếu Scotland độc lập thì đây sẽ trở thành biến động lớn đối với châu Âu, làm dấy lên chủ nghĩa ly khai ở những khu vực khác, đồng thời tạo ra một lục địa "không thể kiểm soát" với những kẻ thù địch theo chủ nghĩa dân tộc.

Trả lời phỏng vấn đài phát thanh VTR của Bỉ, Ủy viên Thương mại EU Karel De Gucht nói: "Nếu điều này xảy ra ở Scotland, tôi nghĩ nó sẽ là biến cố chính trị với quy mô tương tự như sự tan rã của Liên bang Xô viết trước đây. Đó có thể sẽ là trận “đại hồng thủy” đối với châu Âu - điều mà tôi cảm thấy lo sợ".

Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cũng cho biết, ông cảm thấy "nhẹ nhõm" về kết quả cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của Scotland.

Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO Anders Rogh Rasumssen hoan nghênh tuyên bố của Thủ tướng Anh David Cameron ngày 19/9 rằng Vương quốc Anh sẽ vẫn là một quốc gia thống nhất sau cuộc trưng cầu dân ý ở Scotland. Ông Rasumssen nói: "Vương quốc Anh là thành viên sáng lập của NATO và tôi tin rằng Vương quốc Anh sẽ tiếp tục đóng vai trò hàng đầu trong việc giữ cho liên minh của chúng ta vững mạnh”.

Box: Scotland là một vùng đất chiếm 32% diện tích của toàn quốc, 8% dân số Anh là người Scotland. Với trọng lượng kinh tế chưa đầy 10% GDP của cả nước nhưng Scotland lại kiểm soát gần như toàn bộ các nguồn dự trữ dầu hỏa và 50 % khí đốt.