Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẻ chia cùng doanh nghiệp

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Chính phủ thấu hiểu điều này, các ngành, các cấp phải thấu hiểu điều này để có biện pháp chỉ đạo sát hơn”, đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 3/3. Hơn lúc nào hết, các bộ, ngành, địa phương cần phải sâu sát lắng nghe, thấu hiểu, từ đó tháo gỡ khó khăn cho DN để duy trì sản xuất, kinh doanh vốn đang bị đình trệ trước ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Sản xuất linh kiện bán dẫn tại Công ty MTEX (Nhật Bản), Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Cao Thắng
Chỉ chưa đầy hai tháng xuất hiện tại Việt Nam, dịch Covid-19 đã gây ra tác động sâu sắc và toàn diện đến kinh tế - xã hội nước ta, nhất là các ngành hàng không, du lịch, vận tải, dịch vụ, đầu tư… Tốc độ tăng trưởng của nhiều ngành giảm so với cùng kỳ, trong đó có ngành chế biến chế tạo, tổng mức bán lẻ hàng hóa; nhiều DN đối mặt nguy cơ thiếu nguyên liệu; chuỗi cung ứng bị đứt gãy… Cộng đồng DN từ lớn đến nhỏ trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều “thấm đòn”, điêu đứng vì dịch. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng lên tiếng bày tỏ lo ngại về khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm nay.
Giữa bộn bề khó khăn ấy, sự đồng hành, tháo gỡ từ phía các bộ, ngành là hết sức cần thiết. Điều đáng mừng là một số bộ, ngành, địa phương đã hết sức chủ động vào cuộc tìm giải pháp ứng phó với dịch bệnh. Đơn cử, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc đề nghị Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính giảm giá vé BOT, phí cầu đường, bến bãi để tháo gỡ khó khăn cho DN trong dịch Covid-19. Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 155/QĐ-BTC về danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch...
Mới đây nhất, ngày 2/3, Ngân hàng Nhà nước cũng tổ chức với các tổ chức tín dụng về tăng cường các giải pháp hỗ trợ người dân, DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, các tổ chức tín dụng đã khẩn trương rà soát tình hình khách hàng vay vốn để chủ động xây dựng chương trình, kịch bản hành động nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN. Bước đầu ghi nhận, các tổ chức tín dụng đã hỗ trợ cho trên 44.000 khách hàng với dư nợ khoảng 222.000 tỷ đồng thông qua các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay các khoản nợ hiện hữu, giảm lãi vay các khoản cho vay mới, miễn giảm các loại phí...
Tinh thần đồng hành cùng DN tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 2 tổ chức ngày hôm qua (3/3). Theo đó, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ góp ý cho một chỉ thị mới, trong đó đưa ra nhiều giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Trước đó, Thủ tướng cũng đã đề nghị Bộ Tài chính cần có chương trình tạo điều kiện về chính sách thuế hỗ trợ DN trong bối cảnh khó khăn này.
Tháng cuối cùng của quý I/2020 đã bắt đầu, trong khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường. Nói như TS Trần Du Lịch (thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ), chắc chắn rằng tác động từ đợt dịch bệnh này sẽ rất lớn, chưa kể còn có độ trễ sau khi hết dịch. Do đó, trước mắt phải có ngay các biện pháp hỗ trợ cho DN. Việc hỗ trợ thiết thực nhất của Chính phủ là bằng chính sách tài khóa như giãn, hoãn, giảm thuế để DN có thể trụ được qua lúc khó khăn. Cùng với đó là rà soát ngay các điểm nghẽn, nhất là về thủ tục hành chính nhằm tháo gỡ kịp thời.
Hy vọng rằng, sự chung tay sẻ chia, tháo gỡ của các bộ, ngành cùng với tinh thần nỗ lực, chủ động vượt khó của các DN, hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ sớm được phục hồi, vực dậy đà tăng trưởng, bảo đảm các mục tiêu Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.