Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẻ chia trong cộng đồng

Song Ngư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày này, Hà Nội tổ chức phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng.

Đang ngồi trong một cửa hàng máy tính, bất chợt mọi người thấy một bà cụ gõ cửa bước vào nhắc nhở chủ cửa hàng rằng ngày mai phường sẽ được phun thuốc diệt muỗi, nhớ cử người ở nhà để khi người làm nhiệm vụ đến còn làm được việc, tránh khóa cửa bỏ đi mà lại mất công người ta. 
Dặn dò xong, bà quày quả bước đi, một lúc lại gõ cửa, nhắc: “Nhớ đậy điệm đồ dùng nấu nướng ăn uống cẩn thận nhé!”.

Tuyên truyền đến người dân về công tác phun thuốc diệt muỗi trên địa bàn phường Thịnh Quang, quận Đống Đa. Ảnh: Công Hùng

Lời dặn dò của bà cụ khiến những ai đã từng gắn bó với Hà Nội nhớ một năm Hà Nội cũng bùng phát dịch sốt xuất huyết. Tổ dân phố ở nhiều nơi cũng tổ chức phun thuốc diệt muỗi. Nhưng cùng một dãy phố, nhà được phun, nhà không, do chủ nhà đi vắng, người làm nhiệm vụ không thể vào phun hóa chất được. Vì thế, muỗi ở nhà được phun lập tức  phát tán sang nhà chưa được phun và ngụ ở đó. Dịch bệnh sốt xuất huyết vì thế vẫn cứ lây lan.
Tôi từng đọc một câu chuyện thú vị về một người nông dân trồng ngô. Năm nào người nông dân cũng mang những bao ngô chất lượng tốt nhất và năng suất nhất đến hội chợ để giới thiệu sản phẩm. Tại đây, ông hào phóng chia sẻ giống ngô tốt nhất mà mình nghiên cứu, đúc rút được trong nhiều năm tháng trồng trọt cho chủ các trang trại xung quanh. Thấy thế, có người hỏi ông: “Tại sao ông không giữ những giống ngô tốt cho riêng mình, chia sẻ như thế, chẳng phải ông không còn độc quyền nữa hay sao?”. Người nông dân vui vẻ trả lời: “Ngô là loại cây thụ phấn nhờ gió và côn trùng. Nếu tôi chia sẻ những giống ngô tốt cho hàng xóm, ruộng ngô của tôi sẽ nhận lại chính những hạt giống tốt nhất mà mình từng cho đi. Như thế, tôi chỉ được lợi hơn mà thôi”.
Câu chuyện trồng ngô tất nhiên khác câu chuyện… diệt muỗi, nhưng giống nhau ở một điểm chung: Trong cùng một môi trường sống, một mình mình tốt sẽ khó bảo toàn, tương tự, nếu một cái xấu giữa một môi trường tốt cũng sẽ nhanh chóng bị triệt tiêu. Để mình được tốt, hẳn nhiên nên chia sẻ những gì tốt nhất cho những người xung quanh, để cái tốt được nhân rộng và đương nhiên mình được lợi. Ở Hà Nội, câu chuyện dịch bệnh bùng phát đã lâu mà không dập được một phần lớn là do mọi người còn thờ ơ với nó.
Trong sâu thẳm mỗi người có lẽ đều tồn tại một tâm lý lạ lùng: Thường muốn sự rủi ro được người khác gánh vác giúp, nhưng hạnh phúc lại muốn hưởng một mình. Tất nhiên, không phải ai cũng để nó chế ngự, thành một người hành xử ích kỷ trong cộng đồng. Nhưng không phải nó đã biến mất hoàn toàn trong mỗi người. Cơ quan tôi, một chị phải nghỉ làm mấy ngày vì phải chăm sóc hai đứa con bị sốt xuất huyết. Đến khi hai đứa trẻ khỏi thì chính chị lại nhiễm bệnh. Khi hay tin đó, hầu hết mọi người đều ồ lên cảm thương: Thật khổ quá! Nhưng rồi sau đó họ lại âm thầm hoặc công khai thở phào rằng: May quá, nhà mình không ở trong vùng dịch! May quá, bọn muỗi truyền bệnh đã bị diệt ở đâu đó!...
Người Hà Nội không thờ ơ, dửng dưng. Họ sẵn sàng ủng hộ tiền của và công sức để giúp đỡ những người dân vùng thiên tai lũ lụt. Nhưng không phải ai cũng để tâm từ đầu đến những cảnh báo về dịch bệnh ở ngay tại nơi mình sống. Thậm chí, khi được thông báo sẽ có tổ công tác phun thuốc diệt muỗi, yêu cầu họ có mặt ở nhà giúp để tổ công tác làm việc, song họ lại tránh đi vì sợ… mùi hóa chất diệt côn trùng. Họ lo lắng, mùi thuốc đó ảnh hưởng đến sức khỏe, không phun thuốc vì nhà có trẻ con… nhưng lại không nghĩ xa hơn rằng dịch bệnh sốt xuất huyết có thể ghé thăm các thành viên trong gia đình, khi ấy nỗi lo sức khỏe còn lớn hơn thế rất nhiều… Liệu khi nhà này không phun thuốc, thì muỗi có “tử trận” tại nơi được phun thuốc để không sang cư ngụ tại nhà họ?
Đâu đó trên các phương tiện thông tin đại chúng, người ta giúp nhau những cách sống thoáng hơn, chia sẻ nhiều hơn để khi vui hay buồn đều có những người quan tâm bên cạnh. Sống đẹp trước hết là sống cho bản thân, sau đó là sự sẻ chia trong cộng đồng, như người nông dân trồng ngô thông minh chia sẻ những điều tốt, sẽ nhận lại những thứ tốt hơn.