Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ có 4 - 5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến Việt Nam

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia vừa đưa ra bản tin nhận định tình hình thời tiết, thiên tai từ nay đến cuối năm 2019.

Mưa lớn gây ngập úng tại Hà Nội năm 2018.
Theo đó, mùa bão năm 2019 có xu hướng hoạt động muộn hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN). Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta có khả năng ít hơn so với TBNN. Cụ thể, khoảng 10 - 12 cơn bão và ATNĐ hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó, có 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
Các cơn bão, ATNĐ tập trung ở khu vực Trung Bộ trong những tháng nửa cuối năm 2019. Cần đề phòng khả năng xuất hiện của những cơn bão mạnh và có quỹ đạo phức tạp. Nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá, đặc biệt là thời kỳ giao mùa từ cuối tháng 4 trên cả nước.
Nhiệt độ trung bình từ tháng 5 đến tháng 10 trên cả nước cao hơn TBNN từ 0,5 - 1 độ C. Riêng khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ tháng 8 - 10, nhiệt độ ở mức xấp xỉ TBNN. Các đợt nắng nóng không kéo dài và tập trung trong tháng 5 ở phía Tây Bắc Bộ, từ tháng 5 - 6 ở phía Đông Bắc Bộ, từ tháng 5 - 8 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.
Tổng lượng mưa tháng 5 và từ tháng 7 - 10 xấp xỉ TBNN; riêng tháng 6 tại khu vực Việt Bắc và Đông Bắc cao hơn TBNN từ 15 - 25%. Trong nửa cuối tháng 5 khả năng xuất hiện khoảng 1 - 2 đợt mưa rào và dông, mưa tập trung ở vùng núi phía Bắc.
Lũ chính vụ từ tháng 6 - 10 có khả năng xuất hiện đúng chu kỳ TBNN. Đỉnh lũ lớn nhất năm trên các sông khu vực Bắc Bộ ở mức báo động (BĐ) 2 - BĐ3, riêng các sông suối nhỏ trên BĐ3. Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội thấp hơn BĐ1 từ 1 - 2m, hạ lưu sông Thái Bình ở mức BĐ1. Lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc.