Theo Bộ KH&ĐT, trong 6 tháng đầu năm 2019, đã có 39.000 thông báo mời thầu được đăng tải trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, với tổng giá trị gói thầu là 260.000 tỷ đồng. Trong đó, số lượng gói thầu đấu thầu qua mạng (ĐTQM) là 11.000 gói thầu (chiếm tỷ lệ 28%) với tổng giá trị gói thầu là 26.500 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 10%).
Đáng chú ý, trong 3 năm triển khai ĐTQM, tỷ lệ tiết kiệm của ĐTQM luôn cao hơn tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu truyền thống. Tuy nhiên, tỷ lệ đấu thầu không đạt chỉ tiêu theo lộ trình quy định, việc áp dụng ĐTQM nhìn chung còn rất chậm, nhiều đơn vị trên cả nước không đảm bảo yêu cầu theo quy định. Cụ thể, Tập đoàn, tổng công ty nhà nước, số lượng 46,4% và giá trị 13,9%; bộ, ngành 21,3% số lượng và 2% giá trị; địa phương 18% số lượng và 4% giá trị.
Đáng nói, tính cạnh tranh, hiệu quả kinh tế của ĐTQM chưa được khai thác tối đa. Cụ thể, chỉ có khoảng 4,6% số lượng nhà thầu đã đăng ký trên Hệ thống tham gia ĐTQM, số lượng nhà thầu trung bình tham gia một gói thầu là 2,5; đặc biệt có 36% tổng số các gói thầu (chủ yếu là lĩnh vực xây lắp) chỉ có một nhà thầu tham gia.
Đây là biểu hiện của việc lách luật, vi phạm quy định về cạnh tranh, công bằng cần phải ngăn chặn để đảm bảo tính cạnh tranh của ĐTQM. Tổng giá trị các gói thầu ĐTQM còn chiếm tỷ trọng chưa cao so với tổng giá trị các gói thầu trên cả nước do đó chưa tận dụng được lợi ích của ĐTQM.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ đề xuất áp dụng lộ trình mới theo nguyên tắc lượng hóa được các gói thầu bắt buộc phải ĐTQM, đồng thời đưa ra chế tài cụ thể (không giải ngân) nếu không thực hiện theo quy định.
“Để siết chặt công tác kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện ĐTQM, bộ sẽ gắn với trách nhiệm người đứng đầu và lãnh đạo cơ quan, đơn vị; đưa thành tiêu chí cơ bản đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ, bình xét thi đua hàng năm” – ông Thắng khẳng định.