Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sẽ có đột phá về môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc huy động các nguồn lực khoa học, nhất là khoa học công nghệ (KHCN), để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH - HĐH) đất nước đang được Đảng, Nhà nước ngày càng chú trọng hơn.

Các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài về nước trực tiếp, hoặc gián tiếp (từ nước ngoài) tham gia vào công cuộc phát triển nền KHCN nước nhà ngày càng nhiều và sâu rộng hơn. Tuy nhiên, sự tham gia ấy còn khá khiêm tốn so với tiềm năng hiện có của giới trí thức người Việt Nam ở nước ngoài. Đâu là nguyên nhân? Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đắc Hiến - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KHCN) về vấn đề này.

Sẽ có đột phá về môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ - Ảnh 1Có phải vì “miếng cơm manh áo”?

Thưa ông, ngay sau giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, chúng ta bắt đầu tiến trình CNH - HĐH đất nước, cũng là lúc Nhà nước có chính sách kêu gọi Việt kiều, đặc biệt là các nhà khoa học, tham gia khôi phục và phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, đến nay, mỗi năm mới có khoảng 200 nhà khoa học gốc Việt ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu, nhưng chủ yếu là ngắn hạn. Vì sao lại như vậy?

- Theo tôi, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng này là do còn khá nhiều vướng mắc và rào cản. Ví dụ: Cơ chế còn chưa thực sự phù hợp, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn. Mặc dù trong những năm qua, chúng ta đã có nhiều cố gắng để khắc phục những vướng mắc và rào cản đó. Vì thế, số lượng trí thức Việt kiều về nước tham gia nghiên cứu và giảng dạy đang có chiều hướng tăng dần trong những năm trở lại đây. Điều này có được là nhờ các chính sách về xuất nhập cảnh, thu hút, ưu đãi cũng đã được cải thiện đáng kể, thông thoáng và hấp dẫn hơn, dần đáp ứng được yêu cầu của nhà khoa học Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài có mong muốn về nước làm việc.

Ngoài ra, các cơ sở nghiên cứu khoa học trong nước cũng đã được đầu tư nhiều hơn, qua đó điều kiện về vật chất, kỹ thuật phục vụ cho công tác nghiên cứu cũng được cải thiện gấp nhiều lần so với những năm trước. Điều này cũng tạo thêm thuận lợi cho các nhà khoa học về nước cống hiến.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngân khố quốc gia hầu như trống rỗng, vật chất vô cùng thiếu thốn, điều kiện làm việc hết sức khó khăn, nhưng những đại trí thức Việt kiều như Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa ở Pháp, Lương Định Của ở Nhật… đang có những vị trí rất hấp dẫn, được đãi ngộ cực kỳ tốt, nhưng vẫn theo Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước phụng sự đất nước. Thưa ông, họ về nước đâu phải vì “miếng cơm manh áo”?

- Theo tôi, mẫu số chung giữa Bác và những người trí thức thời kỳ đó là tất cả để phụng sự dân tộc, phụng sự đất nước chứ không phải vì mục tiêu riêng của đảng phái hay cá nhân nào. Tôi cho rằng, đó là điều mấu chốt nhất, điều mà nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc hơn hẳn những người khác ở sự chân thành. Con người của Bác là như vậy nên đã có sức cảm hóa mọi người xung quanh. Đúng là điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ thời kỳ đó cũng không phải nhiều lắm, nhưng khi có chính sách, đặc biệt là niềm tin thì người tài sẽ khác hẳn.
Sẽ có đột phá về môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ - Ảnh 2

Giờ thực hành trong phòng thiết bị công nghệ cao ở Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: Bùi Tuấn
Thí dụ như ông Trần Đại Nghĩa từ Pháp về được Bác giao cho phụ trách ngành quân giới, rồi như bác sĩ Tôn Thất Tùng cũng được Bác tin dùng, giao cho những công việc quan trọng. Những trí thức về với cách mạng có khi được giao trọng trách trong Chính phủ, có khi là những việc khác, nhưng họ đều hết lòng với công việc, hết lòng với sự nghiệp kháng chiến. Những trí thức thời kỳ đó có niềm hạnh phúc là có một lãnh tụ để họ tin tưởng. Người trong nước có thể có những chính kiến khác nhau, nhưng hễ cứ nói đến Cụ Hồ là tất cả đều một lòng tin tưởng. Tuy nhiên bối cảnh hiện tại đã khác, bây giờ là thời kỳ hội nhập, việc nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài có về nước cống hiến hay không, không nói lên rằng họ có yêu nước hay không. Mà chính việc họ đắm mình vào các hoạt động nghiên cứu, thể hiện sáng tạo qua những công trình có ích, được bạn bè thế giới công nhận cũng chính là thể hiện lòng yêu nước.

Sẽ có đột phá về môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ

Thưa ông, trong thời gian tới liệu Nhà nước có chính sách gì “mang tính đột phá” nhằm thu hút trí tuệ của các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài vào công cuộc xây dựng đất nước?

- Hiện tại, Bộ KHCN đang triển khai dự án có tên gọi là FIRST từ nguồn ODA của Ngân hàng Thế giới. Dự án này có một phần về thí điểm xây dựng chính sách “Mạng chuyên gia khoa học Việt Nam ở nước ngoài”. Đây sẽ là mạng lưới liên kết tất cả các trí thức kiều bào ở khắp nơi trên thế giới với giới khoa học trong nước nhằm trao đổi thông tin, chia sẻ các kinh nghiệm nghiên cứu khoa học. Một khi mạng lưới này đi vào hoạt động, các nhà khoa học trong và ngoài nước sẽ cùng trao đổi, hợp tác để tìm kiếm các giải pháp nhằm giải quyết những nhiệm vụ khoa học tùy theo ngành hoặc lĩnh vực mà nền kinh tế đất nước đang rất cần.

Có ý kiến cho rằng, thay vì phải về nước mới nhận được các chính sách hỗ trợ, các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài có thể chuyển giao công nghệ hoặc thực hiện các đơn đặt hàng nghiên cứu ngay tại đất nước mà họ đang sinh sống. Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

- Cũng giống như mọi lĩnh vực khác, môi trường làm việc của ngành KHCN Việt Nam hiện nay được nhiều người coi là tương đối thoáng. Các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài có thể trực tiếp về nước làm việc hoặc hợp tác qua mạng internet với các nhà khoa học trong nước để cùng nhau chia sẻ, tìm kiếm giải pháp nhằm giải quyết các vấn đề KHCN, chứ không nhất thiết là phải bay về Việt Nam để làm việc trực tiếp.

Còn đối với nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài muốn nhận được sự hỗ trợ về tài chính, thì công trình nghiên cứu hoặc nhiệm vụ KHCN của họ phải được thực hiện theo hình thức đặt hàng của Nhà nước. Nếu đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của bên đặt hàng, sẽ có thể nhận được kinh phí từ ngân sách Nhà nước để triển khai tại Việt Nam.

Hiện có không ít trí thức kiều bào nổi tiếng như Giáo sư - Viện sĩ Hoàng Kim Bổng (Đại học Lômônôxốp, Liên bang Nga) chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Hóa - Lý ở Nga lại chưa được biết đến tại Việt Nam. Đây liệu có phải là sự lãng phí chất xám không, thưa ông?

- Việc mời các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc là chức năng của các viện nghiên cứu, tổ chức KHCN. Bởi chỉ các tổ chức này mới biết được cụ thể mời các nhà khoa học về làm nhiệm vụ gì và tận dụng đến đâu. Đối với trường hợp của Giáo sư Hoàng Kim Bổng, rất có thể là Giáo sư và các tổ chức khoa học ở Việt Nam chưa tìm thấy nhau.

Việc nhiều nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài không về nước làm việc hoặc về rồi lại đi, như tôi đã nói ở trên, có nguyên nhân lớn nhất là do môi trường làm việc tại Việt Nam chưa được đầu tư đúng mức, không thể so sánh được với môi trường tương tự ở nước ngoài. Không chỉ tính riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đang "đau đầu" về vấn đề này. Rất nhiều nước trên thế giới cũng có tình trạng tương tự. Ví dụ như ở Trung Quốc hoặc Ấn Độ, họ chi rất nhiều tiền để thu hút nhà khoa học nhưng cũng không giữ chân được, kéo được về rồi họ lại đi.

Mặc dù vậy phải nói tình trạng lãng phí chất xám khi chưa kết nối được với nhiều nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài là có. Chính vì vậy, đối với Viện KHCN Việt Nam - Hàn Quốc (V-KIST) vừa được Chính phủ ban hành Nghị định thành lập, sẽ là môi trường làm việc nhằm hạn chế tình trạng trên. Hiện, Bộ KHCN cũng đã lên một danh sách các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài có uy tín và trình độ để mời về làm việc ở V-KIST. Đây sẽ là đột phá về môi trường làm việc cũng như chế độ đãi ngộ nhằm thu hút các nhà khoa học theo thông lệ quốc tế. Mặc dù những chế độ này chưa thể ngang bằng so với nhiều nước có nền KHCN phát triển nhưng đây cũng là sự cố gắng rất lớn của Việt Nam nhằm thu hút nhà khoa học người Việt về nước làm việc.

Xin trân trọng cảm ơn ông!