Thông tin này đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Bắc Son xác nhận. Tuyến cáp quang trên bộ mới sẽ được xây dựng dựa trên sự hợp tác với Trung Quốc và đây cũng là đường truyền thứ 2 trên đất liền mà Việt Nam có được.
Bộ trưởng cho biết, hiện nay Việt Nam chưa có đủ điều kiện để xây dựng đường truyền độc lập, nên phải liên doanh, liên kết thông qua các tuyến cáp AAG với các nước. Chính vì vậy đã có rất nhiều những tác nhân ảnh hưởng, tác động đến đường truyền này, ví dụ những nguyên nhân do con người như các hoạt động trên biển của tàu, bè, thậm chí lưới cào của ngư dân vướng phải, thậm chí có một số nước đề phòng đến hành động phá hoại.
Mặc dù việc đứt cáp quang là bất khả kháng, tuy nhiên việc cung cấp dịch vụ đứt đoạn thì bên cung cấp dịch vụ cũng phải có lời xin lỗi, phải có thông báo với người tiêu dùng, đó là văn hóa cần thiết trong kinh doanh, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tuyến cáp quang trên bộ sẽ là biện pháp dự phòng khi cáp quang biển gặp sự cố
|
Bộ TT&TT đã yêu cầu các tập đoàn gia cố cáp quang ở vùng biển mình cũng như vùng biển liên kết với nước ngoài, đồng thời phải xây dựng những tuyến cáp quang mới. Dung lượng sử dụng tuyến cáp quang biển càng ngày càng lớn, khi cáp quang bị đứt ảnh hưởng rất lớn đến truy cập internet của người dân và doanh nghiệp, chính vì vậy chúng ta sẽ xây dựng tuyến cáp quang thứ hai trên đường bộ sang Trung Quốc.
Hiện nay tập đoàn VNPT đang triển khai 2 tuyến cáp quang mới sẵn sàng cung cấp thêm dung lượng. Người dùng internet Việt Nam sắp vượt trên 30 triệu thuê bao nên cần phải có thêm nhiều tuyến cáp mới cũng như gia cố lại tuyến cáp cũ. Những sự cố đáng tiếc như thế này sẽ hạn chế không xảy ra nữa, không để gián đoạn truy cập của người dân, Bộ trưởng nói.
Trước đó vào ngày 23/04, tuyến cáp quang biển AAG đã bị xảy ra sự cố tại phân đoạn đi qua Việt Nam khiến tốc độ truy cập internet quốc tế của người dùng bị chậm đáng kể. Cũng trong năm 2015, vào ngày 5/1, đường truyền internet này đã xảy ra tình trạng tương tự.